pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm ra "thủ phạm giấu mặt" khiến những đứa trẻ trở nên hung hăng

Ảnh minh họa
Theo các nhà nghiên cứu, các bé trai tiếp xúc với các phương tiện truyền thông bạo lực trong độ tuổi từ 3 đến 5 có nhiều khả năng phát triển các hành vi hung hăng và chống đối xã hội khi chúng bước sang tuổi 15.

Ảnh minh họa. Nguồn: HEALTHDAY
Giáo sư tâm lý học giáo dục học tại Đại học Montreal (Canada), Linda Pagani, cũng là trưởng nhóm của nghiên cứu này cho biết: Nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng việc tiếp xúc với bạo lực trên các phương tiện truyền thông trong những năm đầu đời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, kéo dài, đặc biệt là đối với các bé trai.
Phát hiện này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh ngày càng có nhiều bộ phim hành động siêu anh hùng ra mắt, như Captain America: Brave New World vừa được công chiếu.
Theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng: "Trẻ em bị thu hút bởi những nội dung có nhịp độ nhanh, kích thích mạnh và mang tính bạo lực, đặc biệt khi nhân vật chính là những siêu anh hùng - những người thường thực hiện các hành động hung hăng và được tán thưởng. Điều này làm gia tăng nguy cơ trẻ tiếp xúc với bạo lực trên màn ảnh.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu từ 963 bé gái và 982 bé trai sinh năm 1997 và 1998, tất cả đều tham gia một nghiên cứu dài hạn về sự phát triển của trẻ em tại Quebec. Các bậc phụ huynh được yêu cầu báo cáo về tần suất con họ tiếp xúc với các chương trình truyền hình có nội dung bạo lực khi trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 5.
Khi các em tròn 15 tuổi sẽ tham gia một bảng khảo sát để đánh giá sức khỏe tâm lý và hành vi của mình. Kết quả cho thấy, những bé trai đã tiếp xúc nhiều với bạo lực trên truyền hình khi còn nhỏ có nguy cơ cao hơn mắc phải các hành vi sau:
- Hành vi hung hăng có chủ đích: Đánh hoặc đe dọa người khác để đạt được lợi ích cá nhân.
- Bạo lực thể chất: Tham gia đánh nhau, bắt nạt trên mạng, lăng mạ hoặc đe dọa người khác.
- Hành vi chống đối xã hội: Có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc các chuẩn mực xã hội.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những hành vi này có thể "tích tụ theo thời gian", thậm chí kéo dài đến tuổi trưởng thành. Thanh thiếu niên có mức độ hành vi hung hăng cao nhất có nguy cơ mắc các rối loạn cảm xúc và có hành vi gây rối cao gấp 4 đến 5 lần.
Giáo sư Pagani nhấn mạnh rằng kết quả này cho thấy sự cần thiết cấp bách của các sáng kiến y tế cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh và cộng đồng về những rủi ro lâu dài của việc để trẻ tiếp xúc với nội dung bạo lực qua màn ảnh. Bà kêu gọi các bậc cha mẹ đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn về nội dung giải trí dành cho con mình, đồng thời kiểm soát thời gian cho con tiếp xúc với TV ngay từ giai đoạn đầu đời.
Một điểm đáng chú ý trong nghiên cứu là bạo lực trên truyền hình không có tác động rõ rệt đối với bé gái. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng điều này có thể do bé gái thường ít xem các chương trình có nhịp độ nhanh và mang tính bạo lực cao.