Tín dụng vi mô của TYM – Chìa khóa thoát nghèo bền vững cho phụ nữ

An Khê
05/09/2020 - 06:00
Tín dụng vi mô của TYM – Chìa khóa thoát nghèo bền vững cho phụ nữ

Một buổi phát vốn của TYM tại Ý Yên, Nam Định

Nhiều năm qua, Tài chính vi mô (TCVM) được coi là một công cụ giảm nghèo hữu hiệu tại Việt Nam. Các Tổ chức tài chính vi mô ngày càng khẳng dịnh vai trò và những đóng góp tích cực vào phát triển tài chính toàn diện, cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn cho những đối tượng nghèo và thu nhập thấp.

Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động chính thức trong lĩnh vực tài chính vi mô. 

Sau 28 năm hoạt động, tính đến nay TYM đã cung cấp gần 1,5 triệu lượt vay vốn cho phụ nữ trên nhiều tỉnh, thành. Trong những năm gần đây, TYM đã liên tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm để đáp ứng các nhóm đối tượng vay vốn khác nhau.

Tín dụng đa dạng, dễ tiếp cận

Chị Đặng Thị Dinh sống ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là một phụ nữ khuyết tật, sức khỏe yếu, không thể lao động nặng nhọc, gia đình chị lại neo đơn chỉ có hai mẹ con.

Tín dụng vi mô của TYM – Chìa khóa thoát nghèo bền vững cho phụ nữ - Ảnh 1.

Chị Đặng Thị Dinh

Trước khi tham gia TYM, chị Dinh làm nghề may để kiếm sống, chị có một chiếc máy maybàn đạp cũ nhưng rất khó sử dụng vì chị bị tật bẩm sinh ở chân. Năm 2017, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Phụ giới thiệu tham gia TYM và được vay vốn 8 triệu đồng để mua máy may công nghiệp và mua vải.

Tín dụng vi mô của TYM – Chìa khóa thoát nghèo bền vững cho phụ nữ - Ảnh 2.

Chiếc máy khâu mô tơ giúp cho công việc may vá của chị Dinh thuận tiện hơn trước nhiều

Hoàn trả tốt, chị Dinh được vay vòng vốn thứ hai để mua thêm một máy vắt sổ. Từ số vốn của TYM, trong 3 năm qua, việc may vá trở nên dễ dàng hơn nên chị có thêm nhiều sản phẩm, kinh tế gia đình nhờ vậy bớt khó khăn. Không nhưng thế, Tết năm 2019, gia đình chị Dinh được TYM đến tận nơi thăm hỏi tặng quà. Chị Dinh xúc động cho biết số vốn vay không phải là quá lớn đối với nhiều người nhưng với chị đó là một nguồn tài chính đáng kể, giúp mẹ con chị thay đổi cuộc sống.

Tín dụng vi mô của TYM – Chìa khóa thoát nghèo bền vững cho phụ nữ - Ảnh 3.

Chị Dinh tiếp Đại sứ CHLB Đức đến thăm nhà và tìm hiểu về sự hiệu quả của TCVM, tháng 7/2020

Là phụ nữ khuyết tật, khi vay vốn tại TYM, chị Dinh đã được tiếp cận vốn Chính sách với lãi suất ưu đãi. Vốn Chính sách được TYM đưa ra không chỉ hỗ trợ những phụ nữ khuyết tật như chị Dinh mà còn dành cho nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế khác như: hộ gia đình nghèo, phụ nữ nhiễm HIV hoặc có chồng/con nhiễm HIV.

Chị Nguyễn Thị Tròn ở xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An là thành viên TYM từ năm 2013. Thời điểm đó chị đã vay 7 triệu đồng để làm kinh tế. Cho đến nay, trải qua nhiều vòng vốn, chị đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản của gia đình. 

Năm 2019, đợt mưa lũ lớn kéo dài khiến 4 hecta ngao, hàu của gia đình bị thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Khó khăn chồng chất đến với gia đình chị khi thu nhập của hai vợ chồng lại hoàn toàn phụ thuộc vào việc nuôi thủy sản. Ngay thời điểm đó, được cán bộ TYM tư vấn, chị Tròn đã làm thủ tục vay vốn Hỗ trợ khắc phục rủi ro thiên tai với lãi suất ưu đãi để kịp thời khôi phục mô hình kinh tế của gia đình.

"Nhờ số vốn trên, gia đình tôi đã mua lại con giống để tiếp tục nuôi thủy sản, đến nay đang cho thu hoạch. Nếu không có khoản vốn vay này, gia đình tôi không biết vực lại thế nào khi bỗng nhiên bao công sức bị mất trắng", chị Tròn chia sẻ.

Đó chỉ là hai trong số nhiều phụ nữ đã được tiếp cận với nguồn vốn vay của TYM trong thời gian qua. Nhờ vào việc đa dạng hóa sản phẩm và cơ chế cho vay không cần thế chấp mà TYM có thể hỗ trợ cho phụ nữ từng bước phát triển ổn định lâu dài: từ khi họ còn yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn (với vốn chính sách, hỗ trợ cận nghèo), cho đến phát triển kinh tế, tiêu dùng, xây dựng sửa chữa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo số liệu thống kê của TYM, mỗi năm TYM có khoảng 100.000 lượt phụ nữ vay vốn mới. Năm 2019, 38,5% khách hàng của TYM vay vốn để đầu tư vào buôn bán; 21,6% vay vốn phục vụ cho hoạt động nông – lâm – ngư nghiệp; 11,2% kinh doanh dịch vụ; 21,2% sử dụng cho mục đích tiêu dùng. Ngoài ra, TYM còn có sản phẩm vốn cho những mục đích khác như xây dựng cơ bản, khắc phục rủi ro thiên tại, đầu tư vào dự án lớn. Đặc biệt, tỉ lệ hoàn trả tại TYM luôn trên mức 99,9 %. Điều này có được là do vốn vay được TYM tư vấn phù hợp với từng dự án kinh doanh sản xuất, việc hoàn trả được chia nhỏ theo tuần/tháng tại chính thôn mà người vay sinh sống. Cùng với đó, TYM cũng tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực quản lý tài chính và kinh doanh cho phụ nữ.  

Tín dụng an toàn với bảo hiểm vốn vay

Các thành viên TYM khi vay vốn được giới thiệu tham gia Quỹ Bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam, theo đó được chi trả quyền lợi bảo hiểm nếu không may qua đời. Chính sách này giúp cho thành viên và gia đình yên tâm vay vốn mà không bị bất kỳ một áp lực nào về khoản nợ.

Tín dụng vi mô của TYM – Chìa khóa thoát nghèo bền vững cho phụ nữ - Ảnh 4.

Việc chia nhỏ gốc lãi trả dần hàng tuần, tháng giúp cho thành viên TYM không phải chịu áp lực

Gia đình chị Lê Thị Cảnh ở thôn Ước Ngoại, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa thuộc hộ nghèo tại địa phương. Khi chị Cảnh vay 15 triệu đồng từ TYM để sửa chữa nhà cửa đã được các cán bộ TYM tư vấn và tham gia bảo hiểm vi mô của Hội đối với khoản vay này. Không may, chị Cảnh qua đời năm 2019. Quỹ Bảo hiểm vi mô đã phối hợp với TYM chi trả quyền lợi 15 triệu đồng cho gia đình chị.

Chị Trần Thị Giang ở xã Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vay 35 triệu đồng từ TYM để chăn nuôi và mua bảo hiểm cho khoản vay này. Do không may đột qụy, chị Giang qua đời và để lại số tiền hơn 12 triệu đồng chưa trả hết. Cán bộ TYM đã hướng dẫn gia đình hoàn thiện thủ tục và được bảo hiểm chi trả số tiền 35 triệu đồng trong đó xóa nợ số tiền chị Giang chưa trả hết và trả cho gia đình khoản tiền hơn 22 triệu đồng còn lại.

Ông Võ Văn Đồng, Giám đốc TYM – Chi nhánh Thanh Hóa cho biết: "Từ khi có sản phẩm Bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam, 100% thành viên vay vốn của TYM tại Thanh Hóa đều tham gia vì thấy được lợi ích to lớn mà sản phẩm này mang lại. Từ tháng 6/2016 cho đến nay Quỹ Bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam cũng đã chi trả cho 44 thành viên TYM tại Thanh Hóa không may qua đời với số tiền lên tới 1,1 tỷ đồng. Chúng tôi thấy rằng sản phẩm bảo hiểm vi mô này không chỉ rất thiết thực mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần được phát triển rộng rãi hơn nữa".

Hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nghèo, yếu thế ở các khu vực nông thôn, bán đô thị tiếp cận với các dịch vụ tài chính như vốn vay và bảo hiểm là một trong những hoạt động quan trọng nhất với TYM nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã kí ban hành. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đã khẳng định: "Thúc đẩy sự phát triển của TCVM có ý nghĩa kinh tế, chính trị, an sinh xã hội rất lớn thông qua việc mở rộng cánh cửa tiếp cận dịch vụ tài chính và tín dụng cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Tài chính vi mô cũng hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, đã đóng góp một phần không nhỏ vào tiến trình chung về phát triển tài chính toàn diện của quốc gia".

Bảo hiểm vi mô "Tương trợ vốn vay" là sản phẩm bảo hiểm vi mô mà thành viên TYM tham gia khi vay vốn ở TYM. Tham gia sản phẩm bảo hiểm này, thành viên sẽ được Quỹ bảo hiểm vi mô thanh toán toàn bộ số tiền tương ứng với số vốn vay của TYM đã ghi trong giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm trong trường hợp thành viên qua đời khi thời hạn bảo hiểm vốn vay đang còn hiệu lực (trừ các trường hợp loại trừ được quy định cụ thể).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm