pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tổ chức Hội góp phần nâng cao tỷ lệ phụ nữ, người dân tham gia BHXH tự nguyện
Hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh BHXHVN
Tại hội thảo "Truyền thông mở rộng diện bao phủ BHXH và đảm bảo tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, bà Vũ Thị An, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang, chia sẻ: Chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, đồng thời cũng là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và mỗi người dân.
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đã có nhiều văn bản chỉ đạo về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. Trong đó, giao cho Hội LHPN tỉnh thực hiện rà soát, thống kê, phân loại hội viên và người dân có thu nhập ổn định để tổ chức tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.
Từ năm 2015, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang có Chương trình phối hợp với BHXH tỉnh về việc tuyên truyền, thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Bà Vũ Thị An chia sẻ: Trong quá trình triển khai thực hiện, chương trình đã gặp không ít khó khăn khi cán bộ Hội các cấp chỉ là cộng tác viên của các đại lý thu của UBND xã và Bưu điện xã, nên thiếu các cơ chế khuyến khích cán bộ Hội tham gia.
Từ thực tế đó, từ năm 2016, Hội LHPN tỉnh đã đề xuất cấp trên giao cho tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp làm đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT để động viên, khích lệ cán bộ trong hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia BHXH. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ Hội làm nhân viên đại lý thu BHXH.
Qua đó, từ tháng 7/2020 đến nay, các cơ sở Hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động trên 6.000 hội viên phụ nữ và người dân tham gia BHXH tự nguyện qua các đại lý của tổ chức Hội. Đồng thời góp phần nâng mức bao phủ BHYT năm 2015 từ 75% lên 99,7% vào năm 2021.
Chia sẻ những kinh nghiệp thực tế từ cơ sở, bà Vũ Thị An cho rằng: Để đạt kết quả cao trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, rất cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong đó, có sự tham gia, phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức, đoàn thể trong việc rà soát, phân loại đối tượng "tiềm năng" tham gia BHXH tự nguyện. Có kế hoạch, giải pháp tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng và tập trung công tác tuyên truyền theo tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện để đạt hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc đưa nội dung thông tin tuyên truyền về BHXH, BHYT lên hệ thống truyền thông của Hội như trang thông tin điện tử, bản tin sinh hoạt Hội hàng quý. Đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền, vận động qua các "kênh" mạng xã hội cũng như tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp để giải đáp các vấn đề liên quan tới chính sách BHXH tự nguyện, BHYT.
Để phát triển mạnh hơn số lượng người tham gia BHXH, bà Vũ Thị An kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật BHXH, trong đó hướng đến giảm số năm đóng BHXH để nhận lương hưu từ 20 năm đóng xuống còn 15 năm, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người dân tham gia.
Đồng thời kiến nghị cơ quan BHXH cung cấp tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng thời điểm, trọng tâm của giai đoạn tuyên truyền. Có các bảng minh họa chi tiết, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân có thể hiểu, nắm bắt nhanh các chế độ, chính sách liên quan.
Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh cũng cần tăng cường tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên đại lý thu, cộng tác viên cơ sở để họ hiểu và tuyên truyền đúng, trúng các chủ trương, chính sách đến với từng người dân, hộ gia đình.