pnvnonline@phunuvietnam.vn
Toạ đàm Người khuyết tật khởi nghiệp: Cơ hội và thách thức
Chương trình tập huấn kỹ thuật trồng nấm sò của Abilis cho người khuyết tật tại HTX thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (huyện Sóc Sơn - Hà Nội)
Quỹ Abilis Phần Lan là một tổ chức của người khuyết tật, do chính người khuyết tật thành lập và điều hành hoạt động. Abilis có trụ sở chính tại Helsinki, Phần Lan. Abilis hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 với tên gọi "Chương trình hoạt động hỗ trợ phát triển trợ giúp nhân đạo tại Việt Nam".
Chị Đỗ Thị Huyền, Giám đốc Abilis tại Việt Nam chia sẻ, trong thời gian triển khai các hoạt động tại Việt Nam, Abilis nhận thấy khởi nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Khởi nghiệp không chỉ cho thấy tiềm năng của người khuyết tật mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong xã hội, trong đó có người khuyết tật và truyền cảm hứng tới cộng đồng. Đó là lý do, từ năm 2020, Abilis thực hiện dự án Dạy nghề nâng cao vị thế kinh tế xã hội và các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp.
Để hành trình khởi nghiệp của người khuyết tật nhận được những hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn. Quỹ Abilis tại Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm Người khuyết tật khởi nghiệp: Cơ hội và thách thức, theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của hơn 60 khách mời là người khuyết tật và các chuyên gia.
Tại tọa đàm, các cựu học viên Quỹ Abilis và ban quản lý các dự án sinh kế đã và đang nhận tài trợ của Abilis, những người khuyết tật đã, đang và sẽ khởi nghiệp cùng thảo luận theo nhóm về những cơ hội và khó khăn của người khuyết tật khi khởi nghiệp.
Cơ hội của người khuyết tật khi khởi nghiệp là được tiếp cận với nguồn vốn, các chương trình đào tạo của các tổ chức, đặc biệt là tổ chức phi chính phủ hay các quỹ hỗ trợ như Abilis; được tiếp cận đào tạo nghề chuyên nghiệp; hướng dẫn cách truyền thông cho hoạt động và được tiếp cận với các dự án cũng như các chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật khởi nghiệp.
Tuy nhiên, họ cũng phải vượt qua nhiều thách thức cụ thể như: phải lựa chọn ngành nghề phù hợp để khởi nghiệp tùy theo từng dạng khuyết tật. Cùng với đó là nguồn lực nhân sự yếu cả về kỹ năng, ngôn ngữ, kiến thức liên quan, ỹ năng chăm sóc khách hàng, chưa có kinh nghiệm về quản lý, ít có kinh nghiệm để làm các dự án khởi nghiệp và việc tiếp cận công nghệ 4.0 cũng còn hạn chế.
Các nhóm khuyết tật cũng đưa ra một số thách thức khác xung quanh các vấn đề về truyền thông, quảng bá sản phẩm, cách tiếp cận khách hàng phù hợp, cách tìm nguồn lực kinh tế để phát triển và cơ hội nghề nghiệp cho người lớn tuổi từ 60 tuổi trở lên…
Từ những cơ hội và thách thức đó, nhiều giải pháp đã được các nhóm đưa ra để vượt qua khó khăn trước mắt trong mùa dịch Covid-19 và những chiến lược lâu dài để kinh doanh, khởi nghiệp và nhận được vốn hỗ trợ, đầu tư.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến, những người tham gia còn được nghe chia sẻ kinh nghiệm thực tế của những người khuyết tật đã khởi nghiệp thành công. Đó là chị Đinh Thị Quỳnh Nga – Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, Anh Lê Việt Cường – Giám đốc HTX Vụn Art và chị Lương Thị Kiều Thúy – Sáng lập viên và quản lý Tiệm giặt là người điếc Ký +.
Qua những chia sẻ này, những người khuyết tật có thể rút ra những bài học khởi nghiệp cho riêng mình. Đồng thời, thông qua tọa đàm, sẽ giúp kết nối mạng lưới các tổ chức/ cá nhân người khuyết tật kinh doanh/ sản xuất để vượt qua các ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra.