Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới

H.Hòa
26/11/2024 - 11:12
Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2024

Về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Năm 2024, tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thông qua mạng xã hội, sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng diễn biến phức tạp, tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng 12,53%

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 26/11, Quốc hội nghe Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2024; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2024; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024.

Theo báo cáo của Chính phủ về Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng 12,53%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 83,48% (cao hơn 8,48% so với chỉ tiêu Quốc hội giao); trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,15%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,08%.

Trong đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.

Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024

Còn theo Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án các cấp đã thụ lý hơn 653.000 vụ việc, giải quyết được hơn 585.900 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,72%), cao hơn năm trước 0,56%.

Trong đó, các vụ án hình sử được xét xử đạt tỷ lệ 98,18% về số vụ và 96,82% về số bị cáo, cao hơn năm trước 0,18% về số vụ và 0,47% về số bị cáo (vượt 10,18% so với Nghị quyết Quốc hội giao).

Tội phạm đánh bạc trên mạng Internet tăng 105,22%

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.

Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 46,08%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 83,36%, tham ô tài sản tăng 45,61%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 105,22%. Xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong Nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, như: Công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin còn nhiều sơ hở, bất cập. Tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thông qua mạng xã hội, sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng diễn biến phức tạp, tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng; Số vụ xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp...

Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới- Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, bà Lê Thị Nga cho rằng: Năm 2024, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: tổng số vụ án/bị can được phát hiện, khởi tố tăng, về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 956 vụ, tăng 20,55%. Kết quả này cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Về công tác của các Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Về xét xử, giải quyết các vụ án hình sự năm 2024, mặc dù số lượng các vụ án đã thụ lý tiếp tục tăng, song các Tòa án đã giải quyết đạt 98,18%, vượt 10,18% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Hình phạt mà các Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bà Lê Thị Nga cho biết: các Tòa án đã tổ chức phiên tòa trực tuyến 20.302 vụ việc. Tuy nhiên, qua khảo sát của UBTP cho thấy, nhiều Tòa án địa phương chưa được đầu tư đủ về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến, nên công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm