Song hành cùng Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC Năm 2017 diễn ra tại TP Huế từ ngày 26 đến 29/9, "Tịnh Yến: Quyền năng Phụ nữ và Bản sắc Văn hóa" là một hoạt động văn hóa đặc sắc do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HPDF) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức.
Tham dự đêm Văn hóa Tịnh Yến có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Hồng Lan cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế và các Trưởng đoàn, đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC 2017.
Phát biểu tại đêm Văn hóa Tịnh Yến, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhận định: “Đêm văn hóa là dịp kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân và các tổ chức của Việt Nam cùng các đối tác trong và ngoài khu vực. Đây là dịp để bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự nỗ lực, kề vai sát cánh của các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC đã góp phần giúp hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ 2 và các hội nghị bên lề diễn ra tại TP Huế thành công tốt đẹp”.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh, cho biết, nhiều năm qua, các vấn đề về giới và nâng cao quyền năng phụ nữ rất được quan tâm trên bình diện quốc tế lẫn quốc gia, nhất là trước sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong kinh doanh và các ngành công nghiệp sáng tạo. Bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của phụ nữ mà chính là quyền lợi chung của một đất nước muốn phát triển bền vững. Đó cũng là những vấn đề mà Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh quan tâm hướng đến.
“Đêm Văn hóa Tịnh Yến nhằm tôn vinh Quyền năng phụ nữ và bản sắc văn hóa. Đây là cầu nối kết nối các nền văn hóa giữa các dân tộc, các nền kinh tế APEC và giới thiệu với các đại biểu quốc tế và Việt Nam tham dự Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC Năm 2017 một số nét văn hóa ẩm thực, âm nhạc, trang phục Việt Nam nói chung và của địa phương Thừa Thiên- Huế nói riêng”, bà Ninh khẳng định.
Đêm Văn hóa Tịnh Yến là một câu chuyện âm nhạc, trang phục và ẩm thực dẫn dắt mọi người quay ngược thời gian bước vào một không gian khánh tiết trang trọng của đời sống bản địa thông qua việc kết hợp trưng bày về đời sống văn hoá và tập quán sinh thực bản địa với hình thức bảo tàng sống, gồm gian trình tấu thuật hát thính phòng của dàn nhạc Huế, gian trưng bày áo dài tân thời của nhà thiết kế trẻ địa phương, và gian đón tiếp giới thiệu, diễn giải về những nguyên liệu, sản vật quý được sử dụng trong thực đơn chay đặc biệt của dạ tiệc, cùng lúc tận hưởng các thức uống dân dã độc đáo.