Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới mong lùi thời gian thực hiện

29/08/2017 - 13:55
Trước đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình mới, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GD phổ thông mới chia sẻ: "Nếu QH cho lùi thời hạn chương trình mới, tôi là người mừng nhất!"

- Trong hội nghị tổng kết năm học, bàn phương hướng năm học 2017-2018 mới đây, một số địa phương đề nghị lùi thời hạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới để có sự chuẩn bị tốt hơn. Giáo sư suy nghĩ như thế nào về điều này?

Theo tôi, có thể các tỉnh muốn lùi thời hạn triển khai chương trình để chuẩn bị công tác tập huấn giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất thật tốt.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vào tháng 5/2017, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc ý kiến của nhân dân là nên lùi lại một năm so với kế hoạch.

Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông ngày 30/5/2017,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu đề nghị tương tự.

Với những cơ sở này, tôi chắc rằng lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc.

Về phía người làm chương trình, chúng tôi chưa nhận được chỉ thị nào khác nên vẫn đang làm ngày làm đêm để kịp tiến độ. Nếu Quốc hội quyết định chậm triển khai 1 năm, có lẽ người mừng nhất là tôi khi đỡ phải thức đêm thức hôm liên tục để làm việc như hiện nay! (cười).

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ một số nội dung về tiến độ thực hiện chương trình GD phổ thông mới. Ảnh: Dương Hà 

- Tính đến thời điểm này bao nhiêu phần trăm công việc đã được hoàn thành rồi, thưa Giáo sư?

Hiện nay, tất cả các môn học đều đã có dự thảo chương trình. Trong tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức 18 hội thảo, gần như mỗi ngày tổ chức một hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia về chương trình từng môn học, sau đó sẽ hoàn thiện một bước các chương trình này.

Sau khi hoàn thiện xong, chúng tôi lại tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia trong nước và chuyên gia tư vấn quốc tế trước khi xin phép Bộ GD&ĐT đưa lên mạng lấy ý kiến nhân dân.

Bước tiếp theo là tiếp tục hoàn thiện, rồi đưa thẩm định. Khi các chương trình đều được các Hội đồng thẩm định thông qua thì Bộ sẽ ban hành toàn bộ chương trình GDPT, gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

- Nếu mọi việc suôn sẻ, có thể hoàn thành các chương trình môn học vào thời gian nào, thưa Giáo sư?

Hiện nay, chúng tôi đang rất cố gắng, nhưng cũng khó nói vì mỗi môn một khác. Qua các hội thảo vừa rồi, tôi thấy có những chương trình phải sửa ít, nhưng cũng có những chương trình phải sửa nhiều hơn. Phải chờ tất cả các chương trình hoàn thiện mới đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân được.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, thành bại của chương trình mới là ở giáo viên. Ảnh minh họa 

- Địa phương thì lo nhất khâu tập huấn giáo viên. Giáo sư có cùng nỗi lo này?

Tôi cũng cho rằng, nhân tố quan trọng nhất là giáo viên. Chúng tôi, những người làm chương trình có thể cố gắng hết sức để xây dựng một chương trình kế thừa những điểm tốt nhất từ các chương trình đã có ở Việt Nam và tiếp thu những điểm tốt nhất từ chương trình các nước có nền giáo dục phát triển, nhưng người quyết định sự thành công của chương trình là giáo viên.

- Giáo sư có cảm nhận gì về công tác tập huấn giáo viên?

Theo tôi, cần có thời gian để tập huấn kỹ và có biện pháp đổi mới phương pháp tập huấn cho các giáo viên. Nhưng nói thực, những bất cập về chuyên môn không phải là vấn đề đáng ngại, bởi từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã đưa một số chủ đề tích hợp và một số phương pháp mới vào nhà trường để giáo viên làm quen với tinh thần đổi mới rồi.  

Điều đáng ngại nhất là giáo viên có sẵn sàng đổi mới không. Đổi mới thì học sinh và xã hội có lợi, nhưng giáo viên sẽ vất vả hơn. Vì vậy, phải làm sao để gợi được cảm hứng và tạo được động lực cho thầy cô.

Để làm được những điều này, theo tôi, trước hết, phải xây dựng được chương trình giáo dục thật sự mới mẻ, biên soạn được những bộ sách giáo khoa thật sự có chất lượng. Đó là yếu tố đầu tiên tạo hứng khởi cho giáo viên. Thứ hai, phải tập huấn giáo viên thật chu đáo, tập huấn không chỉ để bồi dưỡng chuyên môn mà còn để truyền được cảm hứng thật sự cho giáo viên về đổi mới giáo dục. Thứ ba, nếu chưa thể có chính sách, chế độ gì đột phá để động viên giáo viên thì Nhà nước cũng cần cải thiện điều kiện dạy và học để giáo viên làm việc có hiệu quả hơn. Chỉ cần thấy đổi mới có hiệu quả, giáo viên sẽ có cảm hứng, sáng tạo và quyết tâm đưa đổi mới đến thành công.

- Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!

Nghe thêm audio GS Nguyễn Minh Thuyết nói về cảm nhận của mình trước đề xuất lùi chương trình mới:



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm