Tổng vốn đầu tư trực tiếp của kiều bào về trong nước khoảng 4 tỷ USD

19/11/2019 - 15:40
Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp kiều bào đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số vốn góp và vốn đăng ký 4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản…
Khai thác tiềm năng và thế mạnh của kiều bào
 
Cách đây 60 năm, ngày 23/11/1959, Thủ tướng Chính phủ đã  ký Nghị định số 416/NĐ-TTg thành lập ban Việt kiều Trung ương - tiền thân của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước - đánh dấu mốc phát triển quan trọng của công tác đối với Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Đây là lần đầu tiên, một tổ chức chuyên trách của Chính phủ được thành lập để vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài, giúp Chính phủ theo dõi công tác về NVNONN.
 
Hôm nay (19/11), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (23/11/1959 - 23/11/2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai. Sự kiện này nhằm tổng kết và ghi nhận những thành tích nổi bật của công tác đối với NVNONN, khẳng định chính sách nhất quán và sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với NVNONN, qua đó động  viên thiết thực kiều bào hướng về quê hương, tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

  

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai tặng cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
 
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đối với NVNONN ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Cộng đồng NVNONN với khoảng 4,5 triệu người tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, với vai trò ngày càng tăng và địa vị ngày càng ổn định, thực sự là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng NVNONN là rất lớn, song cũng cần được khai thác và phát huy một cách hiệu quả hơn. Trong tổng số khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN trên toàn thế giới, mới khoảng 400 - 500 lượt tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam hàng năm. Tiềm năng rất lớn, vấn đề là phải khơi dậy được tiềm năng. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của kiều bào về trong nước khoảng 4 tỷ USD, mới chiếm 2,2% tổng số vốn 185 tỷ USD FDI giải ngân từ 1986 đến nay.
 
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

  

Ủy ban đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa được đông đảo kiều bào đánh giá cao. Chương trình họp mặt kiều bào vào dịp Tết nguyên đán sau này được biết đến với tên gọi "Xuân Quê hương" được tổ chức từ hằng chục năm nay. Hội nghị NVNONN với quy mô toàn thế giới vào các năm 2009, 2012 và 2016, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào và được dư luận cộng đồng hết sức quan tâm, phản ánh đúng tâm nguyện của kiều bào mong muốn đoàn kết hướng về quê hương để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều chuyến đi về nguồn dành riêng cho kiều bào, kết hợp về thăm quê hương đất nước, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa và tham gia các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được đông đảo kiều bào hoan nghênh và đánh giá cao.
 
Đặc biệt, liên tục từ năm 2012, nhằm đáp ứng nguyện vọng và quan tâm của kiều bào, Ủy ban đã tổ chức 9 đoàn kiều bào ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với gần 500 đại biểu kiều bào đến từ các châu lục tham dự. Thông qua hoạt động này, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực của kiều bào hướng về biển đảo quê hương đã được triển khai, như ủng hộ hơn 8 tỷ tiền mặt cùng 1 xuồng chủ quyền trị giá 3,5 tỷ đồng, tặng hiện vật gần 3 tỷ đồng… Đồng thời, các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông được các hội đoàn người Việt tổ chức ở nhiều địa bàn trên khắp các châu lục; các sản phẩm khoa học và nguồn tài chính đóng góp của các hội cũng góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
 
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các kiều bào

  

Việc tập hợp phụ nữ, doanh nhân, trí thức trong các tổ chức hội đoàn tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2013, lần đầu tiên, một Hội nghị phụ nữ dành cho NVNONN được tổ chức với sự tham dự của hơn 200 đại biểu phụ nữ kiều bào đang sinh sống, làm việc tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Tấm lòng hướng về tổ quốc của những người xa xứ
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn còn cho biết, tính đến nay có khoảng 500 hội đoàn người Việt trên toàn thế giới (hội nghề nghiệp, hội đồng hương, hội từ thiện, hội thanh niên-sinh viên, hội doanh nhân, hội trí thức…) với nhiều đổi mới trong các hoạt động hướng về quê hương, đất nước. Hàng năm, có khoảng 400-500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Sự tham gia của 4/15 thành viên là trí thức người Việt Nam ở nước ngoài từ Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore trong Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã tạo đà cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước.
 
 
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu

  

Trong 10 năm qua, mỗi năm có khoảng từ 700 nghìn đến 1 triệu lượt kiều bào về nước du lịch, thăm thân, tìm hiểu và triển khai các cơ hội đầu tư, làm việc... Kiều bào cũng đóng góp thiết thực trong đầu tư, kinh doanh tại nhiều địa phương và có nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo như giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, trẻ em nghèo, nạn nhân chất độc da cam, xây cầu đường dân sinh. Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp kiều bào từ Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Séc, Hà Lan… đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số vốn góp và vốn đăng ký 4 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản… Kiều hối gửi về nước luôn duy trì mức tăng khoảng 10-15% mỗi năm với tổng kiều hối trong 10 năm qua lên gần 112 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đóng góp quan trọng vào ổn định cán cân thanh toán và phát triển kinh tế của đất nước. Kiều hối đạt 16,7 tỷ USD năm 2019.
 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các kiều bào

 

Bày tỏ vinh dự và vui mừng được có mặt tại sự kiện ý nghĩa này, thay mặt cộng đồng kiều bào trên khắp thế giới, ông Trịnh Cao Sơn, kiều bào Thái Lan, Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Thái Lan, nêu tầm quan trọng của Ủy ban Nhà nước về NVNONN đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối gắn kết cộng đồng kiều bào với quê hương, đất nước, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam với nước sở tại. Ông Trịnh Cao Sơn khẳng định, cộng đồng kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, là bộ phận không tách rời của Việt Nam. Bà con kiều bào sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam tại nước sở tại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm