pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bún dưa hấu màu cam, bánh tráng thanh long màu hồng khiến chị em "mê mẩn"
Dịch SARS-CoV-2 bùng phát đầu năm nay gây ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm của người dân. Nhiều loại nông sản như thanh long, dưa hấu được nhiều nơi vận động "giải cứu". Với mong muốn chung tay cùng cộng đồng trong mùa dịch và giúp đỡ người nông dân, anh Lê Duy Toàn, Giám đốc công ty TNHH XNK Thực Phẩm Duy Anh (huyện Củ Chi, TPHCM) đã sáng tạo bánh tráng, bún, phở được làm với nguyên liệu dưa hấu và thanh long.
Chia sẻ về ý tưởng này, anh Toàn cho biết: "Cách đây 2 tuần, thấy người ta bán dưa hấu giải cứu, tôi mua cả tấn dưa về tặng cho nhân viên trong công ty. Sau đó một số nhân viên nói vui với tôi là sao không thử làm bánh tráng dưa hấu. Tôi thấy hợp lý và bắt tay vào nghiên cứu để tạo sản phẩm bún dưa hấu, bánh tráng dưa hấu. Trong lúc thử nghiệm tôi phải tìm hiểu, tạo thành phẩm và đổi công thức pha trộn liên tục thì mới cho ra sản phẩm như bây giờ".
Anh Toàn cho biết thêm, ba mẹ anh làm nghề bánh tráng thủ công truyền thống để nuôi 3 người con ăn học. Từ nhỏ, anh đã thường xuyên phụ mẹ xay bột, tráng bánh, phơi bánh. Anh hiểu được nỗi vất vả đó nên quyết tâm đi học để không lam lũ như ba mẹ. Thế nhưng, sau bao năm đi du học, anh mới nhận thấy được giá trị của các sản phẩm quê hương. Khi ra trường, anh về nước mở rộng xưởng sản xuất của ba mẹ và phát triển ra quy mô lớn như hiện nay.
Công ty của anh không chỉ sản xuất bánh tráng hay bún khô đơn thuần mà anh đã nghiên cứu kết hợp nhiều nông sản khác. Đến giờ đã có 48 sản phẩm khác nhau, như bánh tráng gạo lứt, gạo đen, nghệ, trà xanh, mì mè đen, cải bó xôi, cà rốt, củ dền, hoa đậu biếc. Ngoài ra còn có những loại như bún gạo, miến, bánh hỏi, bánh ướt khô… Dựa trên kinh nghiệm kết hợp các nông sản Việt để tạo ra những màu tự nhiên an toàn cho sản phẩm đang sẵn có. Đợt này, anh tiếp tục nghiên cứu kết hợp với các nông sản đang cần giải cứu là dưa hấu và thanh long.
"Chúng tôi có kinh nghiệm với các loại nguyên liệu như củ dền hay cải bó xôi vì từng kết hợp với bánh tráng, bún, phở trong sản phẩm truyền thống của công ty, nhưng dưa hấu, thanh long thì chưa. Vậy nên, dịp này tôi nghiên cứu và sản xuất vừa tạo thêm sự phong phú cho sản phẩm vừa giúp đỡ phần nào cho người nông dân".
Với nguyên liệu dưa hấu, thanh long, bên anh đã sản xuất được bún dưa hấu, miến dưa hấu, phở dưa hấu, bún vắt vuông dưa hấu và bánh tráng thanh long ruột đỏ, bánh tráng thanh long ruột trắng, bánh tráng dưa hấu. Tính riêng các sản phẩm mới, công ty của anh sản xuất bún dưa hấu khoảng 1-1,5 tấn/ngày, phở, bún vắt vuông dưa hấu mỗi loại khoảng 400-500kg/ngày. Bánh tráng dưa hấu, bánh tráng thanh long khoảng 1 tấn/ngày. Các sản phẩm còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Thụy Điển và Anh.
Chia sẻ về màu cam của bún dưa hấu, anh Toàn giải thích: "Mới đầu tôi hình dung, dưa hấu màu đỏ thì sẽ cho ra bún thành phẩm màu đỏ. Nhưng khi ra thành phẩm thì bún có màu cam. Lúc đó, tôi cũng bật cười không hiểu lý do tại sao. Rõ ràng một bên bột có màu hồng nhạt mà khi sợi bún chạy ra lại có màu cam. Sau đó, tôi làm đi làm lại nhiều lần vẫn màu cam và tôi phát hiện ra do tác động nhiệt nên màu dưa hấu thay đổi. Dưa hấu tươi, ép ra phải làm ngay trong vòng 1 tiếng, khi bị làm chín bằng nhiệt và có trộn bột nên đổi màu. Còn bánh tráng thanh long ruột đỏ vẫn giữ được màu hồng là vì ruột thanh long có màu rất đậm và không bị ảnh hưởng bởi nhiệt".
Hiện, sản phẩm đưa ra thị trường được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao về màu sắc đẹp và an toàn, dinh dưỡng đảm bảo, đặc biệt là sản phẩm mới lạ và góp phần gia tăng giá trị nông sản Việt Nam.
Vừa qua, trên thị trường đã có nhiều sản phẩm sáng tạo, kết hợp với nông sản Việt nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng như: Bánh mì thanh long của ông Kao Siêu Lực, chủ chuỗi cửa bánh tại TPHCM; bánh pizza thanh long, bánh bao thanh long...