TPHCM lên kế hoạch dài hơi giải cứu nông sản và bình ổn thị trường

Hưng Long
12/02/2020 - 14:30
TPHCM lên kế hoạch dài hơi giải cứu nông sản và bình ổn thị trường
Sở Công Thương TPHCM đã trao đổi với các doanh nghiệp, chợ đầu mối lên kế hoạch dài hơi cho việc giải cứu nông sản cũng như bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

Hệ thống phân phối, chợ đầu mối và doanh nghiệp tham gia giải cứu

Ngày 11/2, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - đã có báo cáo trình UBND TP.HCM về việc ứng phó khẩn cấp, cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV trên địa bàn.

Báo cáo của Sở Công Thương nêu rõ về một số mặt hàng nông sản như Thanh Long, mít, nhãn… rớt giá do gặp khó khăn trong xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV. Trước tình hình này, Sở Công Thương đã làm việc với Hội Lương thực, thực phẩm; toàn bộ các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố, 3 chợ đầu mối, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm (có chức năng sấy khô nông sản), triển khai ngay 3 giải pháp.

Các hệ thống phân phối, 3 chợ đầu mối tăng cường tổ chức thu mua các mặt hàng thanh long, dưa hấu; đồng thời kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá, khuyến mại, tổ chức khu vực chuyên doanh các mặt hàng này…

Sở Công Thương TP.HCM đã phối hợp Long An, Bình Thuận và các tỉnh, thành khu vực phía Nam triển khai thực hiện; trong đó, tập trung kết nối vào các hệ thống phân phối có mạng lưới kinh doanh trên cả nước như Sài Gòn Co.op. BigC, Vinmart…

Với các giải pháp kích cầu của các đơn vị phân phối, sự đồng hành của người tiêu dùng; sau thời gian ngắn thực hiện, sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống như Saigon Coop, BigC, Lotte… đã tăng gấp nhiều lần so với trước.

Từ ngày 3 đến 10/2/2020

- Sài Gòn Co.op tiêu thụ 84 tấn thanh long, 80 tấn dưa hấu, tăng 2,5-3,5 lần so ngày thường.

- Hệ thống Vinmart tiêu thụ 85 tấn thanh long, 200 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 21,3 tấn thanh long, 50 tấn dưa hấu); tăng hơn 10 lần so ngày thường.

- Hệ thống BigC tiêu thụ 141 tấn thanh long, 228 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 23,5 tấn thanh long, 38 tấn dưa hấu), tăng gấp 4 - 8 lần so ngày thường.

- Hệ thống Lotte tiêu thụ 20 tấn thanh long, 50 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 2,8 tấn thanh long, 7,1 tấn dưa hấu); tăng gấp 3 lần ngày thường. - Hệ thống MM MEGA MARKET tiêu thụ 30 tấn thanh long, 70 tấn dưa hấu.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, các doanh nghiệp chế biến nông sản đã tăng cường tổ chức thu mua để sấy khô, trữ lạnh. Để các doanh nghiệp sấy khô yên tâm thu mua, chế biến; Sở Công Thương cam kết hỗ trợ kết nối, các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố cùng đồng hành hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản đã sấy khô, chế biến. Hội Lương thực Thực phẩm đang tập trung đôn đốc, vận động các doanh nghiệp thành viên triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Sở Công Thương TPHCM phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố, Hội hàng Việt Nam Chất lượng cao, Sở Công Thương các tỉnh, thành xây dựng Kế hoạch xúc tiến, phát triển thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản. Trong đó chú trọng giải pháp nâng cao và đồng bộ chất lượng nông sản; đáp ứng về tiêu chuẩn và sản lượng đối với các thị trường khó tính.

TP.HCM lên kế hoạch dài hơi giải cứu nông sản và bình ổn thị trường - Ảnh 2.

Các siêu thị đã giải cứu hàng trăm ngàn tấn nông sản trong thời gian qua.

Hàng hóa thiết yếu đảm bảo bình ổn liên tục

Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đã chuẩn bị lượng hàng

- Lương thực: 3.319,9 tấn/tháng (ngắn hạn) và 9.959,8 tấn/03 tháng (dài hạn).

- Trứng gia cầm: 62,4 triệu quả/tháng (ngắn hạn) và 187,1 triệu quả/03 tháng.

- Đường: 1.748,5 tấn/tháng (ngắn hạn) và 5.245,5 tấn/03 tháng (dài hạn).

- Thực phẩm chế biến: 631,7 tấn/tháng (ngắn hạn) và 1.895,1 tấn/03 tháng (dài hạn).

- Dầu ăn: 929,5 tấn/tháng (ngắn hạn) và 2.788,5 tấn/03 tháng (dài hạn).

- Rau củ quả: 6.409 tấn/tháng (ngắn hạn) và 19.227 tấn/03 tháng (dài hạn).

- Thịt gia súc: 2.224,7 tấn/tháng (ngắn hạn) và 15.674,1 tấn/03 tháng (dài hạn).

- Thịt gia cầm: 11.780,6 tấn/tháng (ngắn hạn) và 35.341,8 tấn/03 tháng (dài hạn).

Thời gian qua có hiện tượng một bộ phận người tiêu dùng hoang mang do lo ngại dịch bệnh kéo dài, lan rộng nên có hiện tượng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, như mì, bún khô, gạo, nước mắm… Trước tình hình này, ngày 06/02, Sở Công Thương đã làm việc với Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố và các doanh nghiệp bình ổn thị trường về chuẩn bị nguồn hàng hóa các mặt hàng thiết yếu và các giải pháp cân đối cung - cầu hàng hóa phục vụ người dân khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Theo đó, các doanh nghiệp báo cáo đều đã có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng cung ứng vượt 30 - 50% kế hoạch Thành phố giao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu để duy trì cung ứng, vượt kế hoạch đến hết năm 2020, trong đó một số doanh nghiệp cam kết cung ứng vượt kế hoạch đến hết năm 2021.

Báo cáo của Sở Công Thương TPHCM cũng đánh giá, các doanh nghiệp đồng tình triển khai ngay các chương trình khuyến mại, giảm giá đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, trứng, mì gói, bún khô, nước chấm… từ 10% đến 15% tùy theo mặt hàng. Riêng Acecook cam kết đồng hành cùng Sở Công Thương hỗ trợ miễn phí mì, bún khô tại các điểm cách ly nếu có yêu cầu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm