pnvnonline@phunuvietnam.vn
TPHCM: Nỗi lo mất việc bủa vây người lao động
Người lao động trên địa bàn TPHCM - Ảnh minh họa: Đình Hưng
Trước đó, trong đợt dịch Covid-19 đầu năm, chị cùng nhiều công nhân khác của công ty đã buộc phải nghỉ việc tạm thời trong hơn 1 tháng. Công ty nơi chị Nguyệt làm việc chuyên về lĩnh vực in ấn. Dịch Covid-19 bất ngờ đến và kéo dài khiến những đơn hàng ngày càng ít, doanh thu của công ty sụt giảm rõ rệt. "Trước đây, lương của tôi mỗi tháng cũng được gần 8 triệu đồng. Nhưng liên tiếp mấy tháng nay chỉ còn được phân nửa so với trước. Trong khi chi phí hàng tháng của gia đình ngày càng nhiều thì thu nhập ngày càng eo hẹp", chị Nguyệt tâm sự.
Theo chị Nguyệt, nhận thấy khó khăn của công ty nên đã có không ít người xin nghỉ làm để tìm một công việc khác. Trong khi đó, với chị, ở tuổi gần 40 thì quyết định nghỉ việc để tìm một "bến đỗ" mới không hề đơn giản. "Dịch Covid-19 đã gây ra khó khăn chung cho cả nền kinh tế chứ không riêng gì công ty tôi đang làm việc. Tôi đã gắn bó với công ty này hơn 10 năm nay rồi. Bây giờ tuổi cũng đã lớn, để nghỉ việc đi tìm chỗ làm mới trong bối cảnh hiện giờ thật sự không phải chuyện dễ dàng", chị Nguyệt bày tỏ.
"Đây là một giai đoạn quá khó khăn đối với cả doanh nghiệp và người lao động. Nhiều tháng qua, thu nhập của tôi giảm đi đáng kể. Cuộc sống vì thế cũng trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Tôi hy vọng, Nhà nước và công ty sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cho người lao động như chúng tôi. Nêu bây giờ mà mất việc làm thì thật sự không biết phải xoay xở thế nào".
Lê Thanh Ngọc, công nhân may mặc trên địa bàn quận Gò Vấp, TP.HCM
Trong khi đó, chị Trần Mai Lan (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, do công ty ít đơn hàng nên hơn 1 tháng nay, chị chỉ làm việc 3 buổi 1 tuần. "Số ngày làm việc giảm nên thu nhập cũng giảm theo. Nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, kéo dài thì không biết công việc, cuộc sống trong thời gian tới sẽ ra sao", chị Lan bộc bạch. Thực tế, tình trạng không có đơn hàng, nguyên liệu sản xuất khiến nhiều công ty buộc phải cho công nhân nghỉ việc tạm thời, hưởng mức lương tối thiểu vùng. Cuộc sống công nhân vốn dĩ đã lắm vất vả nay càng trở nên khó khăn.
Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết, Công ty TNHH Huê Phong đóng trên địa bàn quận dự kiến tiếp tục cắt giảm thêm gần 1.600 lao động vào ngày 30/8 tới. Trước đó, công ty này đã trải qua hai đợt cắt giảm (đợt 1 là 2.222 người, đợt 2 là 224 người). Đại diện công ty cho hay, các khách hàng chính của công ty ở châu Âu và Mỹ bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 nên hủy đơn đặt hàng rất nhiều. Tuy công ty đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và bố trí việc làm cho người lao động. Trước những khó khăn trên, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm số lao động nói trên.
Đến hết tháng 9/2020 sẽ có khoảng 120.000 lao động bị cắt giảm
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy, từ tháng 3 đến tháng 7/2020 đã có hơn 327.000 người lao động bị cắt giảm việc làm. Dự báo, từ nay đến hết tháng 9/2020 sẽ có khoảng 120.000 lao động của khoảng 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, chủ yếu là lao động thuộc các ngành du lịch, lưu trú, vận tải, ngành công nghiệp xây dựng, dệt may, da giày do các công ty rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất...
Theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong thời gian qua, Sở đã liên tục theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó, vận động, kêu gọi doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giãn ca, giảm giờ làm để giữ việc làm cho người lao động. Đối với các trường hợp người lao động mất việc làm không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Sở cũng có biện pháp để người lao động nhận được khoản hỗ trợ dành cho lao động mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.
"Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Nhưng chúng ta vẫn có niềm tin là dịch sẽ sớm qua. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động phải thực sự hiểu, chia sẻ cho nhau. Người lao động có thể lùi lại một chút, đảm bảo được công việc đủ sống, bên cạnh đó, dành thời gian để tiếp tục trau dồi, rèn luyện thêm kỹ năng trong công việc để phát triển trong tương lai, khi dịch bệnh đi qua".
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng, việc doanh nghiệp cắt giảm lao động trong bối cảnh hiện nay là do doanh nghiệp thật sự gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Do vậy, quan trọng nhất hiện nay là cả doanh nghiệp lẫn người lao động phải biết chia sẻ với nhau để vượt qua khó khăn. "Doanh nghiệp phải chăm lo cho người lao động trong khả năng cho phép, hiểu được người lao động là đáng quý. Trong khi đó, người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp. Nếu người lao động đặt niềm tin vào doanh nghiệp, nghĩ đường dài thì sẽ ủng hộ doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, với tình hình hiện tại, việc người lao động có thể bám trụ lại với doanh nghiệp không chỉ đơn giản là chuyện kỹ năng mà cần phải chấp nhận khó khăn, nỗ lực hơn nữa trong công việc. "Nếu doanh nghiệp quá khó khăn thì người lao động không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, quyết định có tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp khi việc ít, thu nhập giảm hay không là lựa chọn của từng người lao động. Nếu người lao động không chấp nhận tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp thì vẫn có thể có cơ hội tìm việc làm ở những công việc giản đơn. Tuy nhiên, họ phải cân bằng giữa sức khỏe, cuộc sống, chấp nhận cùng Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19", ông Tuấn chia sẻ.