Trả giá đắt vì dùng thuốc của 'thầy lang vườn'

27/09/2019 - 14:58
Sau khi đắp lá được vài ngày, chân bệnh nhân sưng to, chảy dịch nên đến BV thăm khám. Tại đây, các bác sĩ xác định, bệnh nhân đã bị biến chứng nặng và phải tháo bỏ ngón chân hoại tử.

Ngày 27/9, bác sĩ Lý Thị Thơ, Trưởng khoa Nội Thận khớp (BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho biết, BV vừa cắt bỏ ngón chân hoại tử cho bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc D. (58 tuổi, TP. Tuyên Quang) do dùng thuốc nam bị biến chứng.

Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi và viêm mô tế bào ngón chân nhưng chưa có loét. Tuy nhiên, thay vì điều trị tại BV, bệnh nhân nghe lời người quen đi bốc thuốc nam về đắp. Sau khi đắp được vài ngày, chân bệnh nhân sưng to, chảy dịch nên nhanh chóng đến BV thăm khám. Tại BV, các bác sĩ xác định, bệnh nhân đã biến chứng nặng và phải tháo bỏ ngón chân hoại tử.

Ảnh minh họa

 

Bác sĩ Thơ cho biết, thời gian gần đây, BV tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị biến chứng do đắp thuốc nam. Mới đây nhất, BV tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.N. (31 tuổi, ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) bị suy thận giai đoạn cuối.

Trước đó, bệnh nhân N. được chẩn đoán suy thận độ 2. Bác sĩ tư vấn điều trị tại BV nhưng bệnh nhân từ chối mà tự bốc thuốc của một thầy lang gần nhà. “Thầy thuốc bảo bài thuốc nam chữa được suy thận độ 8 chứ độ 2 đã là cái gì” nên anh nghe theo. Sau 4 tháng dùng thuốc, bệnh nhân thấy người mệt mỏi nên đến BV thăm khám. Tại BV, bệnh nhân được chẩn đoán đã bị suy thận giai đoạn cuối (độ 4), phải chạy thận cấp cứu vì thận không lọc được chất độc trong máu.

Theo bác sĩ Thơ, thuốc Đông y bao gồm nhiều vị khác nhau. Mỗi vị có thể có tác dụng điều trị, tác dụng không mong muốn và độc tính khác nhau. Việc phối hợp thuốc không đúng có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng tác dụng phụ và độc tính. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết bệnh từ nhẹ đến nặng đều được một số thầy lang bà mế quảng cáo là chữa khỏi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng và ngộ độc thuốc Đông y đang ngày một gia tăng. Nhiều bệnh nhân suy thận phải chạy thận lọc máu do có thời gian dùng thuốc Nam kéo dài. Do đó, người bệnh khi cảm thấy sức khỏe có vấn đề, nên đến những cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm