Trái đất có nguy cơ trở thành hành tinh nóng không thể sống nổi

Nhu Thụy
16/12/2019 - 16:23
Trái đất có nguy cơ trở thành hành tinh nóng không thể sống nổi
Không chỉ đối mặt với các đợt nắng nóng đỉnh điểm gây thiệt hại về người, thế giới cũng phải gánh chịu các vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng nề từ Amazon đến Australia, Mỹ. Trong khi đó, 329 tỷ tấn băng ở Greenland đã tan chảy trong 12 tháng qua, đẩy mực nước biển dâng cao chưa từng thấy. Đến cuối năm nay, số người phải sơ tán do thời tiết cực đoan trên thế giới có thể tăng lên 22 triệu người.
2019 là năm nóng nhất từ trước tới nay

2019 là năm nóng nhất từ trước tới nay

Trong báo cáo gần đây do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu, đã lên mức kỷ lục mới. 

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm 2019 là một trong những năm nóng nhất lịch sử. Tính đến cuối tháng 7/2019, nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận kỷ lục mới về nắng nóng và phải ban bố tình trạng khẩn cấp, báo động đỏ. Pháp 45,9 độ C (kỷ lục cũ 44,1 độ C năm 2013), Tây Ban Nha 43 độ C. Ở Mỹ, tháng 6/2019 có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử 140 năm, nhà chức trách đã phải cho mở cửa 600 trung tâm làm mát phục vụ người dân; ở Ai Cập, nhiều thành phố có nhiệt độ vượt 43 độ C. Riêng tại Hà Lan, tổng cộng có 2.964 người đã tử vong tại nước này trong đợt nắng nóng kỷ lục cuối tháng 7 vừa qua. 

Tại Ấn Độ hay Australia, người dân phải gánh chịu những đợt nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C. Từ điển Oxford đã chọn "Climate emergency" (tạm dịch "Tình trạng khẩn cấp về khí hậu") là từ của năm 2019. Tần suất sử dụng cụm từ này tăng gấp 100 lần trong vòng 12 tháng qua, cho thấy thế giới ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề khí hậu.

Cháy rừng Amazon

Cháy rừng Amazon

2019 là năm làn sóng kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu tăng cao chưa từng có. Giới khoa học cảnh báo, tốc độ tăng của nhiệt độ trái đất sẽ nhanh chóng tới ngưỡng không thể cứu vãn được nếu không giảm mạnh lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tổng lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp là 36,8 tỷ tấn, tăng 0,6% so với năm 2018. Dự kiến, toàn thế giới sẽ thải ra 43 tỷ tấn khí CO2 từ tất cả các nguồn trong năm 2019, đạt mức cao kỷ lục. 

"Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trái đất sẽ ngừng nóng lên. Nếu không có hành động cụ thể, nhiệt độ toàn cầu có thể nóng hơn 3°C vào cuối thế kỷ 21", Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết.

22 triệu người di cư vì thời tiết cực đoan

22 triệu người di cư vì thời tiết cực đoan

Không chỉ đối mặt với các đợt nắng nóng đỉnh điểm gây thiệt hại về người, thế giới cũng phải gánh chịu các vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng nề ở Australia hay Mỹ. Những trận siêu bão có sức tàn phá lớn đã biến mọi thứ trở thành hoang tàn ở Philippines, Indonesia hoặc nhiều đợt núi lửa phun trào, động đất, sóng thần ở các nước châu Á. Đại dương chiếm 70% diện tích bề mặt Trái đất, tạo ra dưỡng khí oxy, vừa hấp thụ dioxyde carbone, làm mát khí quyển, góp phần điều chỉnh nhiệt độ và khí hậu Trái đất. 

Tuy nhiên, tình trạng nhiệt độ tăng cao do các hoạt động của con người đang làm tăng tốc độ bốc hơi nước, xáo trộn chế độ mưa, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nắng nóng và hạn hán dài hơn và nhiều hơn, mưa bão và lụt lội dữ dội hơn. 5 năm qua là thời điểm nóng nhất từng được ghi nhận, mực nước biển trên toàn cầu cũng tăng lên mức kỷ lục, mức khí thải CO2 mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới. Nửa triệu người đã thiệt mạng trong 1 thập kỷ qua do các điều kiện thời tiết cực đoan.

329 tỷ tấn băng ở Greenland đã tan chảy trong 12 tháng qua

329 tỷ tấn băng ở Greenland đã tan chảy trong 12 tháng qua

Trong khi đó, băng ở Greenland đang tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng có. Theo nghiên cứu, kể từ năm 1992, 3,8 nghìn tỷ tấn băng tại một số điểm ở Greenland đã tan chảy, đủ để làm tăng thêm 1cm mực nước biển. Điều này cho thấy tỷ lệ băng tan đã tăng từ mức trung bình 33 tỷ tấn/năm, gấp hơn 7 lần, trong 3 thập kỷ qua. Đặc biệt, 329 tỷ tấn băng ở Greenland đã tan chảy trong 12 tháng qua, đẩy mực nước biển dâng cao chưa từng thấy. 

Chưa dừng lại ở đó, nồng độ axit trong các đại dương cũng được ghi nhận cao hơn 25% so với 150 năm trước, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển mà hàng tỷ người trên Trái đất sống phụ thuộc vào. Đến cuối năm nay, số người phải sơ tán do thời tiết cực đoan trên thế giới có thể tăng lên 22 triệu người. 

Tuy nhiên, sau 2 tuần họp, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc lần thứ 25 về chống biến đổi khí hậu (COP25) vừa kết thúc tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) mà không đạt được thỏa thuận về những điểm chính nhằm giải quyết tình hình khí hậu khẩn cấp hiện nay. Bà Helen Mountford - Phó Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới - cho rằng, những cuộc thảo luận này về một mặt nào đó đã cho thấy "sự thờ ơ" của các nhà lãnh đạo chính trị trước lời kêu gọi "khẩn cấp" của giới khoa học, cũng như các nhà hoạt động môi trường trong suốt những tuần qua kêu gọi thế giới hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nguồn: Guardian, AFP, un.org
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm