Trại hè "tự trồng" do chị Phạm Thanh Nga tổ chức thu hút khá đông trẻ tham gia - Ảnh: NVCC |
Từ trại hè… “tự trồng”
Đã bước vào năm thứ hai, chị Phạm Thanh Nga (giảng viên khoa Hóa, ĐHSP Hà Nội) tổ chức trại hè cho con và các trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Thay vì bỏ tiền thuê giảng viên nước ngoài, chị gõ cửa các tổ chức tình nguyện quốc tế, mời họ cùng cộng tác mở trại hè phục vụ cộng đồng.
Ý tưởng nhân văn của chị được đánh giá cao và tất nhiên, các tổ chức đã gửi tình nguyện viên tới, các bạn bè của chị ở nước ngoài, nếu có mặt Việt Nam vào đúng dịp có trại hè cũng vui vẻ đóng góp công sức. Nhờ đó, chị có thể mở nhiều lớp học tiếng Anh miễn phí (tuần 2-3 buổi) cho trẻ ở lứa tuổi tiểu học tham gia.
Các con còn được học về giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại… với chuyên gia tâm lý, tham gia các chương trình ngoại khóa giáo dục cách sống xanh thân thiện với môi trường như tiết kiệm điện, tiết kiệm nước và trồng cây trong nhà.
Chị Nga còn cùng các phụ huynh tổ chức buổi đi từ thiện đến trung tâm hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật để giúp các con thêm sự yêu thương và chia sẻ. Trại hè “đóng” ngay tại phòng cộng đồng của khu chung cư nơi chị Nga đang cư trú nên chị không mất tiền thuê địa điểm. Tuy không có điều hòa (như các trại hè có đóng phí), chỉ có quạt trần, nhưng những tiếng cười trong trẻo trẻ thơ cũng đủ làm bầu không khí ngày hè mát rượi.
Chị Phạm Thị Loan, lao động tự do ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Nếu không có những khóa học phi lợi nhuận như thế này thì con mình khó có một mùa hè vừa vui, vừa ý nghĩa, lại được học tiếng Anh, kỹ năng sống. Thu nhập của mình có hạn, mình đã tưởng trại hè sẽ mãi là khái niệm xa xỉ với con”.
Chị Phạm Thanh Nga cũng tâm sự: “Mình không dư dả gì để cho con tham gia các trại hè quốc tế với chi phí hàng chục triệu đồng. Vì thế, mình lấy công làm lãi, vừa giúp hai con mình, vừa giúp con của những gia đình khó khăn khác có cơ hội đón hè ý nghĩa mà không tốn kém”.
Trại hè bình dân hay "tự trồng" không tốn kém nhưng vẫn mang đến cho trẻ những trải nghiệm thú vị - Ảnh: NVCC |
Đến trại hè… bình dân
Cũng như chị Nga, chị Loan, nhiều phụ huynh khác cũng xoay xở lo hè cho con. Chị Trần Thu Trang (Q.1, TPHCM) tâm sự: “Mỗi khi đọc quảng cáo về trại hè, điều mình quan tâm trước tiên là chi phí bao nhiêu. Nếu trại nào quá đắt là mình cho qua và chỉ tìm trại hè với chi phí khiêm tốn hơn mà nội dung hoạt động cũng chấp nhận được”.
“Tất nhiên, trại hè ít tiền thì cha mẹ cũng phải hạ thấp tiêu chuẩn xuống. Chẳng hạn, trại hè 100% với người nước ngoài có giá 15 triệu đồng/tháng thì trại 50% giáo viên nước ngoài, 50% giáo viên Việt Nam chỉ khoảng 6 triệu đồng. Ở trại “xịn”, con được ăn tới 3 bữa gồm 1 bữa phụ giữa sáng, một bữa trưa (thường khoảng 40.000 đồng/xuất) và 1 bữa xế chiều. Trong khi đó, trại hè rẻ tiền hơn thì con chỉ được ăn 1 bữa trưa. Trại hè đắt tiền thì thuê biệt thự cho các con sinh hoạt. Trại hè “bình dân” thuê phòng học trong các trường tiểu học, THCS…”, chị Trang chia sẻ.
Như hiểu được tâm trạng này của phụ huynh học sinh, nhiều trại hè cũng cố gắng tung ra mức phí “mềm” nhất. Trại hè Circletime English Studio của thầy giáo người Canada Robert Everitt lần đầu tiên tổ chức với giá khoảng 3,9 triệu đồng cũng khẳng định: “Chi phí này không bao gồm ăn trưa để giảm chi phí tối đa cho phụ huynh”.
Vì thế, chị Hoàng Phương Mai, một phụ huynh học sinh gửi con vào trại hè này hàng ngày đều dậy sớm nấu cơm trưa cho con mang đi. “Cơm mình tự nấu rẻ và đảm bảo an toàn thực phẩm hơn so với cơm mua bên ngoài”. Chị Mai tính, chị có thể tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng/tháng bằng việc tự nấu suất ăn trưa cho con.
Trong khi đó, bạn chị Mai lại chọn gửi con vào một trại hè chỉ mở từ thứ hai đến thứ năm, mỗi ngày cũng chỉ ở trại 7 tiếng. “Với kiểu trại hè như vậy, cha mẹ có thể giảm mức đóng ít hơn 2 triệu đồng/tháng so với các trại hè khác”.
Ngoài ra, một số phụ huynh lại tìm tới trại Hè vui do các doanh nghiệp xã hội hoặc dự án xã hội tổ chức với chi phí 3,5 triệu đồng (không bao gồm ăn trưa) cho một tháng hoạt động.
Chị Trịnh Thanh Thủy, (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Mình chỉ cần con có môi trường để chơi với bạn, được chạy nhảy, sáng tạo chứ không đặt đích cao siêu là phải học bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, ăn sang, ở xịn. Vì thế, chi phí này với mình là có thể chấp nhận được.
Chị Thủy cũng tích cực rủ thêm con em bạn bè thân quen nhằm hưởng thêm chính sách giảm học phí cho nhóm. “Mỗi khâu tiết kiệm một chút thì tổng chi phí bỏ ra cũng đỡ tốn kém hơn”.