Trải lòng của bác sĩ bất đắc dĩ nghe bệnh nhân 'chửi'

07/09/2016 - 12:19
'Em sang đút cho nhân viên y tế 100.000 đồng, nhưng họ không lấy, chắc là vòi thêm. Hôm sau, em đút 200.000 đồng, họ cũng không lấy. Đấy bác sĩ bây giờ kinh lắm, vài trăm ngàn đồng họ coi thường đấy mà'.
Đó là một trong nhiều câu chuyện mà bác sĩ nội trú Phạm Thị Ngọc (hiện đang công tác tại BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên), khi nằm viện nghe được. Cùng câu chuyện trên, bác sĩ Ngọc còn bất đắc dĩ nghe những lời 'mắng' thầy thuốc khác. PNVN giới thiệu những ghi chép của bác sĩ Ngọc về vấn đề này:

'Cách đây vài tuần, tôi về quê ngoại chơi và bị đau bụng dữ dội. Người nhà đưa tôi vào BV địa phương để thăm khám. Tôi được bác sĩ chẩn đoán là đau bụng chưa rõ nguyên nhân nên phải nằm lại viện theo dõi.
Phòng tôi có 10 bệnh nhân, đến từ nhiều địa phương khác nhau. Tôi không nói mình làm trong ngành y. Tôi vẫn hỏi han mọi người, hoàn cảnh gia đình họ nên chẳng mấy chốc đã quen cả phòng.

Cạnh giường tôi là một bà cụ 70 tuổi. Bà vào viện vì lý do đau bụng, nhưng tôi thấy bệnh không nặng. Qua trò chuyện, bà cho biết, thường xuyên vào viện vì nhiều lý do. Lần này, bà giận con trai vì nói không nghe lời nên vào viện để không phải nhìn mặt vợ chồng con. Tôi hỏi là bà có đau bụng không? Bà nói là quen rồi, cứ nói đau bụng là được cho vào đây theo dõi...

Đến giờ tiêm, mấy bà bảo nhau, đừng để cho mấy đứa thực tập tiêm. Chúng nó tiêm đau lắm. Mấy bà còn dặn tôi: 'Nếu mà nó không thay người tiêm thì cứ sang bảo trưởng khoa. Chúng nó sợ lắm. Sợ bị đuổi việc nên nói thay người ngay'.
Bộ Y tế đã yêu cầu nhân viên y tế thay đổi thái độ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Người nhà bệnh nhân L. kể: 'Lúc em mới vào viện, đau bụng lắm, nhưng mà bác sĩ chả cho thuốc gì. Em biết ngay là vòi tiền mà, lạ gì... Em sang đút cho nó (nhân viên y tế-PV) 100.000 đồng nhưng họ không lấy, chắc là vòi thêm. Hôm sau, em đút 200.000 đồng, họ cũng không lấy. Đấy bác sĩ bây giờ kinh lắm, vài trăm ngàn đồng nó coi thường đấy mà'.

Một bệnh nhân nữ nằm trong cùng, nôn suốt. Lúc ấy, một bác sĩ sang xem, bảo phải tiêm nhưng hiện tại hết thuốc nên kê cho gia đình ra ngoài mua. Người nhà bệnh nhân trả lời không có tiền. Bác sĩ ngậm ngùi đi ra. Lúc này, mấy người nhà của bệnh nhân nhìn nhau nói: Thuốc thang là việc của bác sĩ, mình ốm đau vào viện lại bắt mình phải đi mua thuốc. Có người gằn giọng nói: 'Gọi thẳng lên Bộ Y tế cho chúng nó sợ'.

Bác sĩ Ngọc chia sẻ: 'Là một bác sĩ, chứng kiến những cảnh đó, tôi thấy bệnh nhân họ thích làm gì thì làm, nói gì thì nói, thậm chí chửi chúng tôi. Còn các y, bác sĩ thì cũng là con người, đôi khi không kiềm chế được vì áp lực công việc nên dù chỉ có một lời nói, hành động không vừa ý bệnh nhân là được chụp hình, ghi âm, đăng lên facebook. Sau đó, mạng xã hội rầm rộ chia sẻ, rồi chửi bới ngành y... Nhiều trường hợp vì sức ép của dư luận, BV phải kỷ luật nhân viên y tế đó mà đáng ra mức 'án' đó họ không đáng phải nhận'.

Nhiều người bảo, 'thầy thuốc phải như mẹ hiền'. Nhưng bệnh nhân và người nhà như vậy thì bác sĩ có hiền, đôi khi cũng không giữ được bình tĩnh. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm