“Trang mới cuộc đời” dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Nguyệt Minh
24/09/2020 - 12:21
“Trang mới cuộc đời” dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
Từ dự án “Trang mới cuộc đời”, nhiều trẻ bị cha mẹ bỏ rơi hoặc bị thất lạc giấy tờ… đã được làm giấy khai sinh để đến trường và được hưởng các quyền lợi hợp pháp, chính đáng khác.

184 trẻ được làm giấy khai sinh

Căn phòng trọ chỉ hơn 10m2 ở quận 8, TPHCM, là nơi sinh sống của vợ chồng bà Nguyễn Thị Lan cùng cháu ngoại Nguyễn Lâm Phong. Theo bà Lan, từ lúc 1 tháng tuổi, Phong đã bị cha mẹ bỏ rơi. Ông bà đưa cháu về chăm sóc, nuôi dưỡng. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bà lại không am hiểu pháp luật nên đến năm 6 tuổi, Phong vẫn chưa được làm giấy khai sinh. Thay vì được đến trường, em phải tự học và vui chơi trong căn phòng trọ chật hẹp.

Thấu hiểu hoàn cảnh của Phong cùng gia đình, các thành viên dự án "Trang mới cuộc đời" thuộc Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) đã tư vấn và giúp đỡ gia đình thực hiện những thủ tục cần thiết để làm giấy khai sinh cho bé. Sau nhiều năm, Phong đã có giấy khai sinh và có thể nộp hồ sơ để đi học.

Bé Thúy Vy được làm giấy khai sinh với sự hỗ trợ của dự án "Trang mới cuộc đời" - Ảnh: MSD

Bé Thúy Vy được làm giấy khai sinh với sự hỗ trợ của dự án "Trang mới cuộc đời" - Ảnh: MSD

Một trường hợp khác là bé Thúy Vy (5 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng được hỗ trợ làm giấy khai sinh. Trong quãng thời gian dài, người thân đã "gõ cửa" nhiều nơi với mong muốn làm giấy khai sinh cho Vy nhưng đều rơi vào bế tắc vì vướng mắc thủ tục do mẹ của Vy bỏ nhà đi từ lúc cháu hơn 1 tuổi, mang theo cả giấy chứng sinh của con. Thêm vào đó, ba mẹ Vy không đăng ký kết hôn, ba Vy mất giấy chứng minh nhân dân... Dự án "Trang mới cuộc đời" đã hỗ trợ xét nghiệm ADN cho cha con Vy để xác định huyết thống rồi làm giấy khai sinh cho bé. Sau khi có giấy khai sinh, bé được làm thẻ bảo hiểm y tế và đến trường như các bạn cùng trang lứa.

Bà Trương Nguyễn Bảo Trân, Quản lý khu vực phía Nam - Viện MSD, cho biết, từ năm 2014, dự án "Trang mới cuộc đời" được MSD phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TPHCM cùng 10 tổ chức xã hội, mái ấm tại thành phố hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt làm giấy khai sinh. Thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng dự án "Trang mới cuộc đời" đã trao giấy khai sinh cho 74 trẻ. "Đến nay, thông qua dự án, đã có 184 trẻ em khó khăn trên địa bàn thành phố được hỗ trợ làm giấy khai sinh", bà Bảo Trân cho hay.

Mở ra cơ hội mới cho trẻ

Số liệu thống kê cho thấy, TPHCM có khoảng 1,5 triệu trẻ em, trong đó hơn 75.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 350.000 trẻ sống trong các hộ nhập cư, hộ nghèo và nhiều trẻ trong số đó không có giấy tờ tuỳ thân. Một kết quả rà soát vào năm 2018 cho thấy, trên địa bàn TPHCM có 518 trường hợp trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, đã giải quyết đăng ký khai sinh cho 297 trường hợp. Tuy nhiên, thành phố liên tục phát sinh nhiều trường hợp trẻ em cư trú trên địa bàn chưa được khai sinh. Đối với trẻ em không có giấy khai sinh, việc được đi học gần như là không thể. Không những thế, các em sẽ không được hưởng các dịch vụ bảo hiểm y tế, chăm sóc cộng đồng như bao đứa trẻ khác.

“Trang mới cuộc đời” dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh 2.

Tại TPHCM, có nhiều trường hợp trẻ chưa được làm giấy khai sinh

Có nhiều lý do mà trẻ sinh ra không có giấy khai sinh như trẻ bị bỏ rơi, mồ côi; mẹ không đủ tiền trả viện phí nên trốn viện và không có giấy chứng sinh; bố mẹ không đăng ký kết hôn; gia đình không đủ kinh phí để chứng minh nhân thân, xét nghiệm ADN; chưa nhận thức được cần làm giấy khai sinh cho con... Bên cạnh đó, quy trình thủ tục pháp lý vẫn còn khó khăn cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM cho biết, hiện nay, việc cấp giấy khai sinh cho nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn là thách thức lớn do thiếu giấy tờ gốc, thiếu chứng cứ về nhân thân của trẻ và bố mẹ, bản thân bố mẹ cũng không có giấy tờ tùy thân. Những trường hợp đặc biệt đến yêu cầu hỗ trợ, hầu hết giấy tờ đều không có, từ giấy đăng ký kết hôn tới việc cả cha và mẹ đều không có giấy tờ gì, thông tin bị khai sai từ tên tới địa chỉ... nên quá trình hỗ trợ làm giấy tờ rất khó khăn.

"MSD và nhóm mong muốn có thể cùng nhau, bằng cách này hay cách khác, hỗ trợ các em ra khỏi vùng tối của những chiếc bóng, mở ra một cuộc đời mới, cuộc đời của một công dân đích thực, được sống, được học tập, được bảo vệ và chăm sóc", bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, chia sẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, cho biết, vào năm 2014, một em nhỏ chưa có giấy khai sinh đã nói rằng: "Chúng con là những đứa trẻ vô hình". Điều này khiến bà vô cùng xúc động và quyết tâm bắt tay thực hiện dự án "Trang mới cuộc đời" nhằm thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm