pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tránh bẫy mua sắm tại các hội chợ cuối năm
Người tiêu dùng mua sắm tại một hội chợ. Ảnh minh hoạ: PVH
Điểm sáng của bức tranh kinh tế cuối năm
Dịp này, tại nhiều địa phương, hội chợ Xuân, chợ Tết được tổ chức theo nhiều quy mô và hình thức khác nhau. Có thể kể đến Hội chợ Xuân Ất Tỵ được tỉnh Quảng Bình tổ chức với quy mô trên 200 gian hàng tiêu chuẩn, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các đại lý thương mại, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh, với nhiều ngành hàng.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Hội chợ Xuân được tổ chức hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Chúng tôi hy vọng, đây là điểm đến hấp dẫn để người dân tới tham quan mua sắm, kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy sản xuất, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm hàng hóa có chất lượng để mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh".
Tại thành phố Đà Nẵng, Hội chợ Xuân 2025 thu hút hơn 250 gian hàng trưng bày, giới thiệu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân mua sắm Tết với nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi. Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, chia sẻ:
"Đây là hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Tết Nguyên đán; góp phần thực hiện công tác bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025".
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức 70 điểm chợ hoa xuân, giới thiệu các sản phẩm cây, hoa, quả cảnh; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán.
Việc tổ chức các hội chợ cuối năm tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp địa phương giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
"Tham dự hội chợ, chúng tôi có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng kênh phân phối, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng và giao lưu, kết nối với nhiều doanh nghiệp khác", chị Nguyễn Ngọc Anh, phụ trách marketing của Công ty cổ phần tập đoàn Vgreen (Hà Nội), chia sẻ.
Đối với người tiêu dùng, các hội chợ Xuân là cơ hội mua sắm với nhiều mặt hàng. "Bên cạnh đó, hội chợ Xuân thường có khuyến mãi và nhiều ưu đãi như "mua một tặng một", "Mua hai tặng một"… áp dụng cho nhiều mặt hàng, khiến người tiêu dùng như chúng tôi hào hứng để mua sắm", chị Nguyễn Quỳnh Chi (tỉnh Bắc Ninh) cho biết.
Tránh bẫy mua sắm tại hội chợ
Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là thời điểm dễ xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm.
Vì thế, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam lưu ý, người tiêu dùng cần trang bị kỹ năng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, sử dụng các công cụ truy xuất thông tin do doanh nghiệp cung cấp như mã QR hoặc ứng dụng xác thực sản phẩm chính hãng.
Khi mua sắm, nên lựa chọn hội chợ do các đơn vị uy tín tổ chức. Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa: Đối với thực phẩm, nên ưu tiên các sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, điều kiện vận chuyển; chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với quần áo, đồ điện tử, cần kiểm tra chất lượng, bảo hành và nguồn gốc sản phẩm. Tránh các sản phẩm trôi nổi, giá quá rẻ so với sản phẩm tương tự trên thị trường. Đặc biệt, cần cảnh giác với những chương trình khuyến mãi quá hấp dẫn, khuyến mãi ảo để bán hàng trôi nổi, kém chất lượng.
Khi chọn mua hoặc được tặng bất kỳ sản phẩm khuyến mãi nào, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin về nguồn gốc, nhãn mác, thương hiệu, hạn sử dụng, chú trọng yếu tố chất lượng. Nên mua hàng của các cơ sở kinh doanh uy tín, với chính sách nhận và đổi trả hàng, bảo hành minh bạch.