pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tranh cãi xung quanh việc công đức, cúng dường qua ví điện tử
Ngày 13/2, trang mạng xã hội Facebook có tên "Chùa Yên Tử" đã đăng thông tin kêu gọi người dân cúng dường với nội dung: "Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch tăng cao, gây khó khăn cho quý phật tử có dự định đến viếng thăm chùa và cúng dường cầu an. Trước tình hình đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng Momo, tạo điều kiện để các quý phật tử không cần đến tận chùa mà có thể cúng dường cầu an thông qua ví Momo".
Ngày 22/2, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho biết Ban trị sự đã gửi thông báo cảnh báo về việc một số trang mạng xã hội lừa đảo, trục lợi tiền công đức của người dân.
Tuy nhiên, ngày 23/2, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết: "Để đáp ứng mong muốn của phật tử, người dân và tránh tập trung đông người đến chùa trong bối cảnh dịch Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với ví điện tử Momo để mọi người có thể phát tâm công đức.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, ứng dụng cúng dường thông qua ví điện tử hiện được thực hiện thí điểm ở 12 chùa, cũng vì thời gian gấp gáp, lại vào dịp sát Tết nên việc thông báo, triển khai chưa rộng rãi. Đây là thử nghiệm để xác định một hướng mới trong tương lai cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động văn hóa, xã hội và tín ngưỡng.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, việc áp dụng công đức qua hình thức ví điện tử Momo sẽ hạn chế được số đông người đi chùa rải tiền lẻ ở các ban cũng như xóa bó việc đặt tiền lẻ trong tay tượng mà nhiều năm qua vẫn tồn tại.
Nói về việc cúng dường qua ví điện tử có xảy ra tình trạng giả mạo, gian lận hay không, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trang giả mạo có thể xảy ra nhưng không thể thực hiện được giao dịch bởi nhiều người đến chùa quét mã QR rồi mới cúng dường điện tử. Mặt khác, thông qua ứng dụng Momo là mọi hình thức giả mạo đã bị chặn. Bởi quá trình công đức qua ứng dụng 4.0 không được thực hiện giữa người công đức và một địa chỉ nào đó mà phải qua ứng dụng ví điện tử, có các lớp bảo mật, xác minh danh tính.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, so với năm 2020, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đã được nhiều chùa, các đạo tràng trực thuộc các chùa ủng hộ và cũng phật tử đón nhận. Mọi người cũng hiểu rằng việc cốt ở nhất tâm. Dù cúng dường onine nhưng nhất tâm hướng đến Phật thì vẫn thỏa mãn được nhu cầu tín ngưỡng của mình. Từ năm 2020 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hoàn thành trung tâm điều hành của giáo hội để kết nối trực tuyến. Bước tiếp theo trong nhiệm kỳ tới, Giáo hội sẽ triển khai một cách căn cơ và bài bản, đem đến trở thành một thói quen với đồng bào phật tử.
Vấn đề cúng dường qua ví điện tử cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều. Phật tử Nguyễn Thị Hiền (phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Trong tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, mọi người không đến chùa lễ Phật được thì tôi ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, nếu cúng dường qua ví điện tử không quản lý cho tốt thì rất dễ để xảy ra tình trạng một số người lợi dụng chủ trương để giả mạo các chùa, lừa đảo chiếm đoạt tiền công đức của người dân. Thêm nữa, hình thức mới này có thể khiến nhà chùa bị mang tiếng chạy theo thị trường".