pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tránh rước bệnh từ thực phẩm trữ đông
Ảnh minh họa
Bảo quản thực phẩm đông lạnh
Nhiều người thường đi chợ một lần và tích trữ thực phẩm để ăn trong nhiều ngày. Vì thế, ngay sau khi đi chợ về, bạn nên làm sạch và sơ chế ngay các loại thực phẩm tươi sống muốn dự trữ để tránh không bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng.
Cách bảo quản thịt, cá tươi sống an toàn nhất là bảo quản trong tủ đá. Để không phải rã đông nhiều lần có thể khiến thực phẩm đông lạnh bị nhiễm khuẩn, bạn nên chia thịt, cá thành từng phần nhỏ phù hợp với từng bữa ăn của gia đình. Dụng cụ chứa thực phẩm cần rửa sạch sẽ và đảm bảo kín để không nhiễm khuẩn từ bên ngoài cũng như không chảy nước ra tủ lạnh trong quá trình bảo quản.
Với các loại thịt được cấp đông, bảo quản bằng kho lạnh với nhiệt độ -18 độ C có thể lưu trữ từ 6-12 tháng. Tuy nhiên, các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo rằng, không nên bảo quản thực phẩm đông lạnh quá lâu bởi một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm cho thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo hòa tan…
Thời gian bảo quản tốt nhất trong ngăn đá tủ lạnh đối với thịt bò, cừu, dê là khoảng 10 ngày; thịt heo, gà, vịt khoảng 7 ngày. Đối với cá, nên sử dụng trong vòng 3 ngày từ khi cất giữ trong ngăn đá để cá được tươi ngon và đảm bảo dinh dưỡng hơn.
Bảo quản rau, củ, quả
Trước khi cho rau, củ, quả vào tủ lạnh để bảo quản, cần phân loại cụ thể bởi mỗi loại rau củ sẽ có thời gian bảo quản và hư hỏng khác nhau.
Với các loại rau xanh, cần nhặt bỏ phần gốc, lá sâu, lá dập và rửa sạch, sau đó cho vào bao đựng thực phẩm, đảm bảo miệng túi được buộc chặt trước khi cất vào ngăn mát. Độ ẩm phù hợp với đa số các loại rau củ quả tươi là khoảng 80- 95%. Tuy nhiên, độ ẩm của tủ lạnh chỉ ở mức khoảng 65%. Chính vì thế, bạn nên bọc rau củ vào túi nilon để ngăn sự bay hơi nước, đặc biệt là những món không có lớp vỏ bên ngoài.
Lưu ý, không nên rửa rau củ quả trước khi cho vào tủ lạnh bởi nếu lượng độ ẩm cao sẽ khiến rau dễ bị biến màu, hư hỏng. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản rau củ tốt nhất là 1-4 độ C vì vi khuẩn thường phát triển mạnh ở nhiệt độ trên 4 độ C. Tuy nhiên, cũng đừng để nhiệt độ quá thấp hay cho rau củ vào tủ đông, điều này sẽ khiến rau củ bị đóng băng hay nhanh hỏng hơn. Các loại rau củ có thời hạn dùng tốt nhất là trong vòng ba ngày kể từ lúc mua, không nên bảo quản trong tủ lạnh quá 1 tuần.
Bảo quản thức ăn đã nấu chín
Thông thường với nhiệt độ mát mẻ, thức ăn đã qua chế biến có thể để được từ 4 - 6 giờ, nhưng vào mùa hè thì thức ăn dễ bị ôi thiu nếu không bảo quản tốt. Thức ăn nấu xong nên ăn ngay còn đối với thức ăn thừa, cần đun sôi lại và để nguội trước khi bảo quản.
Lưu ý, để riêng từng loại thực phẩm, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín hoặc tốt nhất là sử dụng các hộp thức ăn có nắp đậy kín để các loại thức ăn thừa không lẫn lộn vào nhau trước khi cất vào tủ lạnh. Khi dùng lại các loại thực phẩm này, nên đun sôi lại một lần nữa để tiêu diệt vi khuẩn tồn tại trong thức ăn và không tiếp tục lưu trữ lại lần thứ hai.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, các món kho, mặn không nên để trong tủ lạnh quá 3 ngày. Tuyệt đối không sử dụng những thức ăn đã có mùi ôi thiu hoặc màu sắc thay đổi bất thường.