pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở một đứa trẻ bị rối loạn tâm thần
Dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị rối loạn tâm thần nhưng cha mẹ ít nhận ra
Đó chính là việc con bạn sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội quá nhiều. Đáng nói, đây lại là tình trạng rất phổ biến trong các gia đình hiện đại thời nay. Nhất là ở khu vực thành phố.
Theo TS Đỗ Minh Loan (Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương), việc sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, máy tính bảng... quá nhiều mỗi ngày là dấu hiệu hàng đầu cho thấy trẻ có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần.
Hiện tại, nhiều trẻ nhỏ cho đến trẻ lớn được nghỉ hè càng làm gia tăng thêm tình trạng này. Khi ở nhà, nhất là môi trường thành phố, nhiều trẻ không được ra ngoài thường xuyên sẽ kết thân với thiết bị điện tử để giải trí.
Chưa kể dư âm trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp cũng làm gia tăng rối loạn tâm thần ở trẻ em. Cách ly xã hội, không thể đến trường học để tiếp xúc với thầy cô, bạn bè... dù là trẻ lớn hay còn nhỏ, các em đều bị những ảnh hưởng sức khỏe tâm thần đáng quan ngại.
Cũng chính trong khoảng thời gian này, con bạn cần sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên hơn để đảm bảo việc học trực tuyến. Thế nhưng, ngoài những giờ phút học online kém sự tập trung, nhiều trẻ cũng lợi dụng để làm việc riêng. Không thiếu những trường hợp làm việc riêng ngay trong khi học trực tuyến. Cũng có rất nhiều trẻ học xong rồi không tắt thiết bị điện tử mà cuốn vào thế giới mạng, hoặc chơi game, hoặc vào các trang mạng xã hội... Càng ngày, các em càng mất tập trung học tập, nghiện điện thoại, ti vi... mà không cần biết đến những người thân xung quanh.
Bản thân cha mẹ lại là những người quá đỗi bận rộn theo guồng xoay công việc nên ít có thời gian quan tâm, chăm sóc con em mình. Điều này càng làm gia tăng tình trạng trẻ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần như chán nản, buồn bã kéo dài, thậm chí là trầm cảm...
Ngoài ra, con bạn có thêm 3 dấu hiệu sau thì cũng nên cẩn trọng với các vấn đề sức khỏe tâm thần
1. Mất ngủ
Trẻ đang trong độ tuổi đi học cần được ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Ngủ đủ giúp con được nghỉ ngơi, phục hồi cơ thể để tiếp tục học tập, hoạt động vào ngày tiếp theo.
Nếu con bạn thường xuyên khó ngủ với biểu hiện trằn trọc, mệt mỏi, thời gian ngủ mỗi ngày chỉ còn 4-5 giờ thì hãy cẩn trọng với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhất là trẻ hay than phiền mệt mỏi, có dấu hiệu biếng ăn, hay cáu gắt, bi quan, chán nản, cảm giác tự ti khi không bằng bạn bè, không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình... Tất cả những dấu hiệu đi kèm này đều cho thấy con bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt là trầm cảm.
2. Lo lắng quá mức
Trẻ đang trong độ tuổi đi học, nhất là những trẻ ở độ tuổi cuối cấp thường phải chịu áp lực học tập cao hơn. Nếu gia đình đặt kỳ vọng vào các em quá lớn thì càng khiến con cảm thấy lo lắng.
Một mặt, đây là động lực giúp con bạn cố gắng hơn nữa trong học tập. Mặt khác, nó có thể châm ngòi cho bệnh trầm cảm, cho những hành vi tự tử. Hãy quan sát và để ý kỹ con bạn. Nếu trẻ lo lắng quá mức đi kèm những biểu hiện đau đầu, chóng mặt, căng cứng cơ... hoặc trẻ luôn trong tình trạng bất an, miệng khô, khó nuốt, sợ đến trường thì có thể đã bị rối loạn lo âu. Về lâu dài khiến con rơi vào trầm cảm.
3. Mệt mỏi vô cớ
Con không mắc bất cứ bệnh nào nhưng bạn nhận thấy thường xuyên mệt mỏi vô cớ thì hãy cẩn trọng. Tình trạng mệt mỏi vô cớ kéo dài gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sức khỏe. Trẻ cũng không thể đảm bảo việc học tập cũng như các hoạt động vui chơi hàng ngày ở tuổi của mình.
Đây là một dấu hiệu của rối loạn tâm thần nhưng rất nhiều cha mẹ chủ quan bỏ qua, nghĩ rằng con mệt mỏi một thời gian sẽ quay lại bình thường.
Lúc này cha mẹ nên làm gì để cứu lấy con mình?
Khi phát hiện con mình có những dấu hiệu này, cha mẹ không nên chủ quan. Hãy đặt mình vào vị trí của con, lắng nghe cảm xúc và quan điểm của con để hiểu nhiều hơn. Đồng thời phát hiện những dấu hiệu bất thường từ con.
Việc cha mẹ thiếu quan tâm con sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, nhiều người đồng hành cùng con nhưng lại kiểm soát con chặt chẽ thì cũng không nên. Điều này khiến con thêm áp lực về tinh thần. Trẻ càng khó chia sẻ vì nghĩ bố mẹ không thấu hiểu cho mình. Nhất là với trẻ đang ở giai đoạn dậy thì, trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Bạn cũng có thể đặt lịch khám với bác sĩ nếu tình trạng này không chấm dứt. Bác sĩ sẽ dành thời gian nói chuyện với bạn và con bạn. Họ sẽ kiểm tra sâu về chứng trầm cảm bằng cách đặt câu hỏi và lắng nghe. Chuyên gia có thể giải thích cách trị liệu tốt nhất cho con của bạn.