pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ có dị tật bẩm sinh tăng 2/3 lần ở người mẹ hít phải khói thuốc
Bác sĩ Nguyễn Thị Thuý Hằng đang tư vấn cho người bệnh
Khi người đàn ông hút thuốc, khói thuốc từ điếu thuốc và khói thuốc do người đàn ông thở ra sẽ thả trực tiếp ra ngoài không khí. Và khói thuốc lưu lại trong không khí 2 giờ, kể cả khi không nhìn thấy và ngửi thấy. Vì vậy những người sống cùng người hút thuốc lá trực tiếp sẽ hít phải khói thuốc.
Do đó phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người mẹ, thai nhi và sự phát triển của những đứa trẻ sau này.
ThS.BS Nguyễn Thị Thuý Hằng (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện) cho biết, hút thuốc lá gây hệ lụy từ cha, mẹ đến con cái. Trước hết, thuốc lá làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và chất lượng trứng, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng phôi thai. Hút thuốc làm tăng nguy cơ lỗi phôi thai, từ đó dẫn đến thai kém chất lượng dễ bị lưu thai, sảy thai.
Cụ thể hơn, phụ nữ khi mang thai có thể có thai ngoài tử cung. Chất nicotine làm co thắt cơ ống dẫn trứng, cản trở quá trình phôi thai di chuyển vào tử cung. Dẫn đến thai có thể làm tổ ở vị trí bất thường bên ngoài tử cung như làm tổ ở vòi trứng, buồng trứng, ổ bụng…
Chất nicotine trong thuốc lá và khí CO khi thải ra môi trường làm ảnh hưởng chính đến phôi thai khiến phụ nữ dễ sảy thai và thai chết lưu. CO làm ngộ độc cho người hít phải, làm giảm khả năng vận chuyển ôxy đến phôi thai, làm phôi thai thiếu oxy. nicotine làm tăng nồng độ của epinephrine và các chất hoá học khác làm giảm dòng máu đến nuôi phôi thai. Từ đó dễ gây sảy thai trong 3 tháng đầu do phôi thai bất thường, thai chết lưu. Bất thường rau thai như rau tiền đạo, rau bong non, gây chảy máu ở mẹ dẫn đến thai chết lưu.
Khói thuốc cũng làm thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Tỷ lệ thai chậm tăng trưởng trong tử cung cao gấp 3,4 đến 4,2 lần. Khi người mẹ hít phải khói thuốc chất nicotine và carbon monoxide có trong khói thuốc sẽ làm hẹp mạch máu tại bánh rau và dây rốn khiến cho quá trình nhận ôxy và chất dinh dưỡng giữa mẹ và con bị ảnh hưởng gây thai chậm phát triển trong tử cung, thai nhẹ cân.
Ngoài ra, khói thuốc còn làm tăng nguy cơ sinh non do tăng huyết áp, tiền sản giật, rau bong non, trẻ chậm tăng trưởng, từ đó dẫn đến sinh non. Các chất trong thuốc lá có thể gây các dị tật về hàm mặt như sứt môi, hở hàm, dị tật tim, dị tật não.
Đó là các vấn đề về thai nhi, còn khi trẻ được sinh ra hậu quả còn khủng khiếp hơn. Sinh non, nhẹ cân, dị tật bẩm sinh, đột tử trong nôi,…
"Hậu quả của trẻ đẻ non có thể các cơ quan chưa hoàn thiện sự phát triển về thể chất và tâm thần của trẻ bị ảnh hưởng. Ví dụ như trẻ sinh non bị nhẹ cân, phổi chưa trưởng thành, trẻ phải thở máy, thở ôxy dễ bị viêm phế quản, viêm phổi. Sau này dễ mắc bệnh hen suyễn và các bệnh về hô hấp. Khả năng tiêu hoá kém, nuốt kém, ăn kém", bác sĩ Thúy Hằng cho biết.
Cũng theo bác sĩ Thúy Hằng, trẻ có dị tật bẩm sinh tăng 2/3 lần ở người mẹ hít phải khói thuốc. Các dị tật bẩm sinh như về mắt như loạn thị, viễn thị, cận thị, đục thủy tinh thể. Não bộ có thể chưa hoàn thiện dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ sau này. Trẻ chậm lớn, chậm biết đi, nhận biết kém, thiểu năng trí tuệ… Ngoài ra, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh là những cái chết trong nôi xảy ra đột ngột không rõ nguyên nhân ở trẻ chưa đầy 1 tuổi.
Còn trong tương lai của trẻ, những hệ lụy vẫn chưa dừng lại. Trẻ nhẹ cân ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất như ăn uống kém, thấp còi. Nếu trẻ nào bị dị tật bẩm sinh sẽ gây khiếm khuyết cho chính trẻ.
"Ví dụ dị tật về mắt nhìn kém phải đeo kính từ nhỏ, hạn chế các vận động thể thao. Trẻ chậm phát triển trí tuệ khả năng nhận biết của trẻ kém, nhiều trẻ không tự chăm sóc được bản thân. Sau này lớn lên khó tiếp thu kiến thức, hạn chế về trình độ học tập so với các trẻ khác", bác sĩ Thúy Hằng cho biết.
Ngoài ra, việc trẻ khiếm khuyết còn mang lại hệ lụy cho gia đình và xã hội. Với gia đình, nhất là người phụ nữ mang thai và sinh con ai cũng mong muốn sinh ra những em bé khoẻ mạnh, thông minh, phát triển tốt về thể chất tinh thần nhưng nếu sinh con bị non, bị dị tật sẽ là gánh nặng cho gia đình. Gánh nặng về kinh tế khi phải điều trị tốn kém, gánh nặng về tâm lí, mặc cảm khi có đứa trẻ khiếm khuyết. Nếu chẳng may trẻ bị đột tử trong những năm đầu thì cha mẹ đau buồn có thể trầm cảm. Nhiều gia đình để chạy chữa cho con phải bỏ công việc để chăm sóc con.
Với xã hội, nếu trẻ sinh ra non tháng sẽ phải nuôi trong lồng kính, cần chăm sóc đặc biệt, làm tăng gánh nặng cho y tế. Những đứa trẻ sinh ra phát triển kém về thể chất và tinh thần thì cũng là gánh nặng cho xã hội. Xã hội sẽ phải mở những trường lớp đặc biệt để dạy những trẻ đặc biệt, tăng gánh nặng nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo nghề sau này.
Chưa kể, riêng đối với phụ nữ khi mang thai tiếp xúc với khói thuốc còn dễ mắc các bệnh về hô hấp, tăng huyết áp trong thai kỳ. Bác sĩ Thúy Hằng khuyên phụ nữ mang thai cần tránh xa những nơi có khói thuốc, yêu cầu người thân không hút thuốc... Nếu bắt buộc phải đến chỗ đông người thì chọn chỗ dành cho những người không hút thuốc và tránh xa nơi có người đang hút thuốc.
Có thể thấy, hút thuốc lá là thói quen của người cha, nếu cố gắng có thể bỏ hoặc hạn chế hút thuốc trong nhà, nhưng nhiều người vẫn đang làm ngơ với việc trong nhà có khói thuốc bất chấp những hệ lụy khủng khiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ và ảnh hưởng đến tương lai của con cái sau này