Trẻ em dân tộc thiểu số đối diện tình trạng mất tiếng mẹ đẻ

Hoàng Sa
16/09/2023 - 22:28
Trẻ em dân tộc thiểu số đối diện tình trạng mất tiếng mẹ đẻ

Nhiều trẻ em người dân tộc thiểu số không biết đến ngôn ngữ gốc của dân tộc mình

Hiện nay, trẻ em của một số nhóm dân tộc ít người ở các tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam, đang đối diện với tình trạng mất ngôn ngữ của chính dân tộc mình.

Sinh ra đã không biết tiếng mẹ đẻ

Các nhóm dân tộc ít người ở các tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ mất ngôn ngữ, tiếng nói của chính dân tộc mình. Nhiều trẻ em, từ lúc sinh ra đến lúc tập nói, đã sử dụng những ngôn ngữ, tiếng nói của các nhóm dân tộc khác.

Cụ thể, nhóm dân tộc Kháng ở xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, là tộc người có lịch sử cư trú khá lâu đời trên vùng đất này. Thế nhưng, cho đến nay, hầu như còn rất ít người Kháng nói tiếng Kháng. Thay vào đó, họ sử dụng tiếng dân tộc Thái và tiếng phổ thông là chính. 

Trẻ em người dân tộc thiểu số đối diện tình trạng mất ngôn ngữ gốc - Ảnh 1.

Nhiều người Kháng ở xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu sử dụng tiếng Thái, vì không còn biết tiếng Kháng

Ông Lò Văn Đanh, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, cho biết: "Người Kháng ở đây bây giờ chủ yếu nói tiếng Thái và tiếng phổ thông, chỉ còn một số người già thì còn nói một ít tiếng Kháng thôi. Người trẻ thì cũng không biết nữa. Các cháu bé sinh ra thì cũng theo bố mẹ nói tiếng người Thái, đi học mẫu giáo thì nói tiếng phổ thông".

Cháu Lò Thị Sim, người dân tộc Kháng, ở xã Thân Thuộc, Than Uyên, năm nay đã 11 tuổi, học lớp 5 nhưng ngoài tiếng Thái để nói ở nhà, tiếng phổ thông để nói khi đi học, thì cháu không hề biết nói tiếng dân tộc Kháng. 

Bà Lò Thị Mền, người dân tộc Kháng, ở Thân Thuộc, cho biết: "Bố mẹ các cháu nhỏ cũng không biết nói tiếng Kháng nữa, thì các cháu bé cũng không biết nói đâu. Người Kháng ở đây quên hết tiếng dân tộc Kháng rồi, chỉ có thầy cúng và người già mới biết nói tiếng Kháng thôi".

Nhiều nhóm dân tộc ít người đã mất tiếng mẹ đẻ? 

Câu chuyện mất tiếng mẹ đẻ, tức là mất đi tiếng nói gốc của dân tộc mình không chỉ diễn ra với nhóm người Kháng ở Thân Thuộc, Tân Uyên, Lai Châu, mà cho đến nay, tình trạng này diễn ra với khá nhiều nhóm dân tộc ít người ở các tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam. 

Trẻ em người dân tộc thiểu số đối diện tình trạng mất ngôn ngữ gốc - Ảnh 2.

Nhiều trẻ em người Bố Y (người Tu Dí) ở Lào Cai và Hà Giang không còn biết tiếng dân tộc mình, thay vào đó là sử dụng tiếng Quan Hỏa (ngôn ngữ phương Nam)

Cụ thể như các nhóm dân tộc Bố Y, Phù Lá, ở tỉnh Lào Cai, tỉnh Hà Giang, chủ yếu sử dụng tiếng Quan Hỏa (tiếng Hán phương Nam). Hay như người La Ha, người Xinh Mun, ở tỉnh Lai Châu, tỉnh Sơn La, chủ yếu sử dụng tiếng dân tộc Thái trong đời sống hàng ngày. Chỉ còn một số ít những người lớn tuổi có thể sử dụng bập bõm một số từ gốc của dân tộc mình. 

Lý giải về việc này, ông Phùng Quang Mười, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc ở Lào Cai, cho biết: "Các nhóm dân tộc ít người, cư trú đan xen giữa các nhóm dân tộc có dân số đông hơn, dẫn đến việc bị ảnh hưởng và chi phối của nền văn hóa. Khiến họ bị lấn át, dần dần bị mai một ngôn ngữ, vì bị cuốn vào văn hóa, ngôn ngữ của các dân tộc có số lượng đông đảo hơn. Việc này diễn ra lâu dài, khiến họ đánh mất ngôn ngữ gốc từ khi nào thì chính bản thân họ không hay".  

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chuyên viên Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: "Đánh mất ngôn ngữ dân tộc mình, dẫn đến sự mai một về văn hóa, phong tục tập quán. Bởi lẽ, khi không còn biết về ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc mình, vì hàng ngày họ sử dụng một ngôn ngữ của dân tộc khác, thì làm sao họ còn biết đến văn hóa bản sắc truyền thống của cha ông mình, dân tộc mình. Thậm chí họ còn coi những nét văn hóa của dân tộc mà họ đang sử dụng ngôn ngữ ấy là bản sắc, là phong tục truyền thống của chính dân tộc mình. Mà bố mẹ không biết thì sinh ra con cái cũng không biết, không hiểu".

Chính phủ xác định 5 nhiệm vụ và giải pháp giữ gìn tiếng dân tộc thiểu số

Trẻ em người dân tộc thiểu số đối diện tình trạng mất ngôn ngữ gốc - Ảnh 3.

Một lớp truyền dạy chữ Nôm Dao của người Dao đỏ ở Sa Pa, Lào Cai, đây là hình thức gìn giữ và bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc rất hiệu quả tại cộng đồng

Trước những tình trạng mai một mất tiếng dân tộc của một bộ phận các dân tộc ít người, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022 về việc Phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030" đặt ra 5 nhiệm vụ và giải pháp: Phát triển chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng DTTS; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng DTTS; Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng DTTS; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng DTTS; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng DTTS.

Với sự quan tâm của Chính phủ, hy vọng với sự đồng bộ của các chính sách, chủ trương của Đảng, các địa phương sẽ tích cực vào cuộc, đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ DTTS nhằm bảo tồn sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm