pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số bước tới tương lai tươi sáng
Hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Yên Bái được hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế
Chúng tôi đến xã Suối Giàng, Yên Bái, vào một ngày đầu thu. Trong ánh nắng vàng như rót mật, chị Vàng Thị Xá (dân tộc Mông) cặm cụi bên cây kim, sợi chỉ, chăm chút cho từng mũi thêu. Ánh mắt chị lấp lánh niềm vui, niềm hạnh phúc khi có thể tự chủ kinh tế của bản thân mình.
Sinh năm 1987, cũng như bao phụ nữ dân tộc khác tại xã Suối Giàng, chị Vàng Thị Xá lấy chồng và sinh con từ sớm. Cuộc sống vất vả cứ đeo đẳng vợ chồng chị từ ngày này qua ngày khác. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào làm nương, làm ruộng.
Được Hội LHPN xã vận động tham gia các lớp học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ dành cho hộ nghèo, chị Xá đã nỗ lực, chăm chỉ làm ăn. Năm 2021 chị đã thoát nghèo. Hội LHPN xã Suối Giàng cũng vận động chị tham gia tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng. Với những kỹ thuật thêu có sẵn, chị Xá có thể nhận thêu các sản phẩm như túi xách, túi đeo điện thoại… về để thêu những lúc rảnh rỗi, sau thời gian làm nông, có thêm thu nhập.
Tại thôn Co Hương, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chị Phùng Thị Mỹ (dân tộc Nùng) là một tấm gương thoát nghèo tiểu biểu. Đón chúng tôi thăm cơ ngơi khá khang trang, rộng rãi của gia đình, chị Phùng Thị Mỹ bồi hồi nhớ lại những tháng ngày cơ cực. Hai vợ chồng chị lấy nhau và bắt đầu từ hai bàn tay trắng, sống trong căn nhà cũ rách nát, ngày nắng thì mặt trời xiên đến tận đầu giường, còn ngày mưa thì cả nhà sũng nước. Vợ chồng chị quyết tâm phải thoát nghèo bằng được.
Được tiếp cận với nguồn vốn từ chương trình vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chị Phùng Thị Mỹ và chồng - anh Hoàng Văn Hà đã có 50 triệu để bắt tay vào làm kinh tế. Anh chị nuôi ngựa, nuôi trâu, nuôi bò kết hợp với trồng và kinh doanh các loại nông sản như gừng, nho rừng, sim rừng… Không quản ngại khó khăn, vất vả, chăm chỉ làm ăn, dần dần vợ chồng chị đã tích cóp dành dụm được tiền để sửa sang nhà cửa, mua được xe ô tô vận chuyển, nuôi con cái ăn học.
Con đường thoát nghèo chưa từng là con đường bằng phẳng mà không bỏ ra nỗ lực, sự kiên trì và lòng quyết tâm. Nhưng, với sự vào cuộc của chính quyền, sự đồng hành của các đơn vị có thẩm quyền và những khát khao mong muốn và nghị lực vươn lên thoát nghèo của chính bản thân mình, chị Vàng Thị Xá, chị Phùng Thị Mỹ và nhiều phụ nữ vùng cao khác đã tìm được con đường tươi sáng cho chính bản thân và gia đình mình.
Các cấp Hội hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo
Tại sự kiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều tổ chức tại tỉnh Yên Bái, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Hội LHPN Việt Nam với vai trò là tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, trong năm 2022, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022- 2027, đã đề ra chỉ tiêu "hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo", khẩn trương thực hiện tiêu chí "Không đói nghèo" trong thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch", thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 có 3 sạch" với 5 có là có ngôi nhà an toàn, sinh kế bền vững, sức khỏe, kiến thức, nếp sống văn hóa. Hội cũng tiếp tục thực hiện các đề án: Đề án 939, Đề án 938, Đề án 01, Dự án 8 để thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan tới phụ nữ và trẻ em, nhằm thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và trẻ em trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các cấp Hội phụ nữ đã đổi mới nội dung, phương thức triển khai, mang tính chiều sâu để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững
Để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu và các tiêu chí trên, các cấp Hội đã đổi mới nội dung, phương thức triển khai, mang tính chiều sâu (hỗ trợ có điều kiện) và liên kết với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp... để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tham gia thương mại điện tử, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, năng lực tự học hỏi, tự tiếp cận với các dịch vụ xã hội: dạy nghề, việc làm... phù hợp với tình hình đời sống, sản xuất kinh doanh của hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ mô hình đa dạng hóa sinh kế, các mô hình tổ nhóm tiết kiệm, vay vốn ở cơ sở, phụ nữ khởi nghiệp giúp chị em duy trì thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng xác định rằng phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ trong việc giúp đỡ nhau thoát nghèo là vô cùng quan trọng. Thông qua việc phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động tương thân tương ái vì người nghèo, hội viên, phụ nữ đã vươn lên tự lực, tự cường, phát huy nội lực, không còn trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội mà trở thành những thành phần nòng cốt trong công tác tuyên truyền, trong việc thực hiện các mô hình, các tổ hùn vốn, vay vốn ở các địa phương để cùng giúp nhau thoát nghèo bền vững.