pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng
Ảnh minh họa
Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam luôn phát huy vai trò trong thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là giải pháp sáng tạo và phù hợp với thực tiễn của đất nước ta. Những năm qua, mặc dù ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta không ngừng tập trung nguồn lực để thực hiện tốt chính sách nhân văn này.
Nhấn mạnh MTTQ Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tạo đồng thuận xã hội và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, thời gian qua MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để triển khai, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách đi vào cuộc sống với hiệu quả ngày càng được nâng cao.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư; ngày 04/10/2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và hơn 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực triển khai lộ trình phù hợp với tình hình thực tiễn của NHCSXH; công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả, đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
"Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.
Điểm lại một số kết quả nổi bật trong triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhắc tới việc phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, MTTQ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, và tuyên truyền về Phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", Tháng cao điểm "Vì người nghèo" đã kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Trong quá trình phối hợp, MTTQ các cấp đã tập trung huy động các nguồn lực cho Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trong hơn 3 năm từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng với vai trò của mình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ "Vì người nghèo" và an sinh xã hội được trên 27.513 tỷ đồng.
Trong đó: Quỹ "Vì người nghèo" 4 cấp vận động được trên 5.996 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 21.517 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 149.136 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 5 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 961 nghìn lượt HSSV về học tập; hỗ trợ trên 905 nghìn lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.
Song song với đó, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát, trong đó MTTQ cấp tỉnh tổ chức 1.981 cuộc, MTTQ cấp huyện tổ chức 13.213 cuộc; MTTQ cấp xã giám sát 72.162 cuộc. Nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm giám sát là công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội,... Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức được 14 Hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án, dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu.
Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 Hội nghị phản biện, trong đó, cấp tỉnh tổ chức được 827 cuộc, MTTQ cấp huyện đã tổ chức 3.488 hội nghị phản biện; cấp xã đã tổ chức 19.554 Hội nghị phản biện.
Trên cơ sở đó, phối hợp với NHCSXH, MTTQ các cấp cũng đã kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các Bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia trong từng thời kỳ.
"Những hoạt động thiết thực nêu trên đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết.