Trong những ngày gần đây, số trẻ đến khám và điều trị tại BV Nhi TƯ có bệnh lý về hô hấp chiếm quá nửa. Theo thống kê của BV, mỗi ngày BV khám và điều trị cho từ 2.500 đến 3.000 trẻ thì quá nửa là bệnh lý về hô hấp như sốt virus, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Tương tự, tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) mỗi ngày có khoảng 200 cháu đến khám, trong đó quá nửa là số trẻ mắc bệnh hô hấp. Đa phần trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Tương tự, tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) mỗi ngày có khoảng 200 cháu đến khám, trong đó quá nửa là số trẻ mắc bệnh hô hấp. Đa phần trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
PGS. Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, khoảng tháng 7, tháng 8 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp. Trẻ ho, sốt vào viện khám rất nhiều, đặc biệt là sốt virus. Các bác sĩ phải phân loại rất kỹ, chỉ những trẻ viêm tiểu phế quản, viêm phổi có suy hô hấp mới chỉ định nhập viện để tránh quá tải, còn các bệnh hô hấp khác đều điều trị ngoại trú.
Lý giải nguyên nhân trẻ nhập viện dó các bệnh lý hô hấp tăng, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết, năm nay thời tiết tại các tỉnh miền Bắc thất thường, tạo điều kiện cho virus xâm nhập. Trong khi đó, cơ thể trẻ rất khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột này.
Một nguyên nhân khác là mùa hè khí hậu nóng, nhiều gia đình đã bật điều hòa và việc trẻ ra vào đột ngột khiến dễ mắc bệnh hơn.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nếu trẻ không có biểu hiện về bệnh, phụ huynh không cần nhỏ nước muối suốt. Bởi bình thường mũi đã có cơ chế tự làm sạch. Nhưng với trẻ đang bị viêm mũi, dùng nước muối biển để xịt là một biện pháp trợ giúp mũi đẩy sạch vi khuẩn khỏi mũi họng.
Chuyên gia cũng cảnh báo phụ huynh tự đặt khí dung cho con tại nhà bởi đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng như BV thì cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó khí dung có thể gây những phản ứng bất ngờ khiến bé ngừng thở.
Ngoài ra, phụ huynh cần phải cho trẻ ăn thêm 1 bữa so với bình thường sau mỗi đợt ốm để nhanh chóng lấy lại cân nặng như bình thường. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường rau xanh và hoa quả.
Để phòng bệnh, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tránh các yếu tố có hại cho đường hô hấp như: bụi, hơi nóng, khí nóng, khí độc; giữ vệ sinh và bảo quản sữa mẹ tránh nhiễm khuẩn; tránh nằm phòng điều hòa quá lạnh, tránh cho trẻ sinh hoạt ngoài trời lâu đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, duy trì môi trường sống thông thoáng, tránh ẩm thấp và nơi đông người.