pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ suy sụp vì không còn là “ngôi sao” trong lớp
Ảnh minh họa
Những năm cấp 2, Huyền Anh được cả trường biết đến. Không chỉ có năng khiếu hát múa, hội họa, em còn có thành tích học tập rất tốt. Chính vì thế, đi đâu Huyền Anh cũng tỏa sáng. Em được các thầy cô giáo yêu quý, thường xuyên khen ngợi, được bạn bè ngưỡng mộ, đặc biệt được các phụ huynh lấy làm gương cho con em họ. Có thể nói, đây là khoảng thời gian Huyền Anh cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Ở đâu, em cũng được nhiều người quan tâm, chú ý.
Thế nhưng, khi bước vào THPT, cuộc sống của Huyền Anh như bị đảo lộn. Bạn bè mới, thầy cô giáo mới, em thất vọng khi mình không được mọi người "biết là ai". Em thấy mình nhàm chán và mờ nhạt, thấy mình vô dụng khi năng khiếu của mình "không có đất thể hiện". Những năm cấp 2, kết quả học tập của Huyền Anh luôn ở top đầu của lớp, của trường thì từ ngày lên lớp 10, học lực của em "tuột dốc không phanh", chỉ ở mức khá. Em cũng thấy ngoại hình của mình không nổi trội như trước, bởi xung quanh có nhiều bạn nữ thu hút hơn. Mọi thứ sụp đổ, Huyền Anh có cảm giác như mình không tồn tại. Không ai để tâm đến em.
Huyền Anh đã cố gắng dùng năng khiếu là hát múa để "vớt vát" danh tiếng của mình. Em đã dành rất nhiều công sức để có tiết mục đặc sắc, để gây sự chú ý với các bạn trong trường và quan trọng hơn là được các bạn trong lớp coi trọng. Thế nhưng, kết quả không như mong đợi, tiết mục múa không được giải cao khiến Huyền Anh rất thất vọng. Em chỉ biết khóc vì càng bị các bạn coi thường. Từng là cây văn nghệ, từng tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ nhưng sau thất bại lần này, Huyền Anh không bao giờ muốn đứng trên sân khấu nữa.
Huyền Anh quyết tâm dồn sức vào học để khẳng định mình. Thế nhưng, cuộc thi học sinh giỏi có 9 người đạt giải thì em đứng thứ 10. Em hụt hẫng gần như trầm cảm. Em thấy mình làm cái gì cũng không xong. Nhìn bạn bè gặp nhau cười nói, em cũng khó chịu. Huyền Anh thấy bên cạnh mình không có ai. Em có cảm giác như mình không còn tồn tại trong tâm trí mọi người
Giống như Huyền Anh, nhiều đứa trẻ từ nhỏ luôn nổi trội, có nhiều thành tích, giành chiến thắng ở nhiều cuộc thi, được mọi người tung hô… thường không chịu được khi gặp thất bại. Đã có không ít em chán nản, buông xuôi và để mặc cuộc đời mình trượt dốc.
Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ quen với chiến thắng, luôn có tâm lý hiếu thắng sẽ cay cú khi bị thua bạn trong một cuộc ganh đua nào đó. Nếu người lớn cứ khích lệ con lao vào những cuộc ganh đua đó bằng mọi cách thì thật sai lầm. Trẻ nỗ lực, cố gắng vượt qua trở ngại khó khăn để đạt được mục đích là tốt nhưng ganh đua, cay cú, không chấp nhận được khi mình thất bại sẽ khiến trẻ rơi vào bi kịch. Cha mẹ nên giúp con hiểu, trong đời người, ít ai không có lúc thất bại hoặc gặp khó khăn. Điều quan trọng nhất là biết vượt qua nó một cách nhanh chóng để bước tiếp. Hãy giúp con xây dựng kế hoạch học tập, hành động hợp lý và cách thực hiện theo từng bước. Con cần hiểu những giá trị trong cuộc sống nên hướng đến thay vì chỉ phấn đấu cho điểm số, danh hiệu, giải thưởng.
Các bậc cha mẹ cần ý thức rằng, thất bại không phải là vấn đề quá lớn. Nó có thể khiến trẻ tổn thương nhưng con cần học cách nhanh chóng vượt qua và lấy lại tinh thần. Có thể một vài người thành công ở những lĩnh vực nhất định nhưng không ai là chuyên gia ở mọi lĩnh vực và không chỉ một mình con bạn thất bại. Đừng xấu hổ vì điều đó, sự thất bại là điều hiển nhiên và phổ biến. Có thể phải nếm thất bại lúc đầu nhưng trẻ sẽ nhận ra mình cần làm gì để có được thành công nếu chắc chắn đã nỗ lực hết sức.