pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tri ân những hy sinh, cống hiến của các nữ chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày
Bà Võ Thị Ánh Xuân (bìa phải), Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước, trao quà cho các chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Sáng nay (21/7), tại TPHCM, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức Họp mặt nữ chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước, bày tỏ sự khâm phục và trân trọng tri ân trước những hy sinh, cống hiến lớn lao của các mẹ, các cô, các dì là chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh. Cùng với sự phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, không ngừng hoàn thiện pháp luật nhằm ngày càng thực hiện tốt hơn việc ưu đãi, chăm sóc cho đối tượng người có công với cách mạng.
Với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gần 600.000 thương binh, 185.000 bệnh bệnh, 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.
Đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, trên 393.000 hộ gia đình người có công được hỗ trợ về nhà ở. Phong trào đền ơn đáp nghĩa phát triển rộng khắp với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Đi đôi với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội, ý chí tự lực tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống; tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; giáo dục con cháu trở thành những công dân có ích cho đất nước. Góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước; là những tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.
Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng chúng ta không thể nào quên hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đuổi Mỹ vĩ đại của dân tộc. Cùng với đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, các mẹ, các cô, các chị có mặt tại đây đã theo tiếng gọi của Đảng, hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc khi tuổi còn thanh xuân với nhiều ước mơ, hoài bão.
"Những đau thương, khắc nghiệp của chiến tranh luôn tàn khốc hơn những thước phim, những trang sử kể lại. Đối với nữ chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là các mẹ, các cô, các chị bị bắt tù đày thì sự khắc nghiệt, hy sinh càng gấp bội phần. Nếu không có lý tưởng cách mạng cao đẹp, không có một niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào thắng lợi của cách mạng và khí chất kiên cường, bất khuất của phụ nữ Việt Nam được hun đúc từ thời Bà Trưng, Bà Triệu thì những phụ nữ chân yếu, tay mềm không thể nào vượt qua được những gian khổ, khắc nghiệt chốn lao tù; để giữ tròn khí tiết, làm cho đồng đội yêu thương, kẻ thù phải nể phục; để tiếp tục sống, tiếp tục hoạt động góp phần đưa sự nghiệp cách mạng đến ngày toàn thắng", Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ.
Ngày hội ngộ như sống lại tuổi 20
Đó là cảm xúc chung của rất nhiều nữ cựu tù chính trị, nữ chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ khi gặp lại nhau. Các dì, các cô đều đã bước sang tuổi 70, 80 nhưng trong ngày hội ngộ, họ bỗng thấy trẻ lại, ngỡ mình như sống lại thuở mười tám, đôi mươi.
Tất cả các dì, có cô tay trong tay cùng trò chuyện, ân cần thăm hỏi nhau về sức khỏe, gia đình, con cháu. Ngày gặp lại, có người đã không thể tự đi được phải dùng xe lăn, có người tóc bạc trắng cả mái đầu, có người đã không thể nghe rõ đồng đội năm xưa đang nói gì… nhưng từng cử chỉ và ánh mắt đều toát lên niềm hạnh phúc trong buổi trùng phùng. Những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt. Nụ cười và nước mắt trong buổi gặp mặt hôm nay được viết bằng cả tuổi xuân đầy gan dạ và kiên cường trước quân thù.
Bà Trương Mỹ Hoa, nữ cựu tù chính trị, nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ một cách chân tình về danh hiệu "cựu tù chính trị". Dẫu trải qua nhiều chức vụ khác nhau nhưng danh hiệu "nữ cựu tù chính trị" luôn là niềm tự hào đối với bà. Đó là danh hiệu được nhân dân bầu, không bao giờ mất đi và theo bà đến suốt cuộc đời.
Câu chuyện của hai chị em bà Phan Thị Thu và Phan Thị Hồng (Củ Chi, TPHCM) khiến ai nghe lại câu chuyện năm xưa cũng phải rùng mình. Cả 2 bà đều là cựu tù chính trị, bà Phan Thị Thu từng bị giam ở nhà tù Côn Đảo 5 năm. Còn bà Phan Thị Hồng bị địch cưa sống một bên chân.
Bà Bùi Thị Son, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, bày tỏ: "Cuộc gặp mặt này giúp thỏa niềm mong nhớ của những chị em từng ở tù. Bởi các chị em mỗi năm mỗi già đi, thậm chí có người sẽ ra đi, đâu có điều kiện thăm hỏi lẫn nhau. Như tôi đã 80 tuổi rồi, người bình thường sống ở ngoài còn bị đau ốm huống hồ những người từng trong tù đày, bị tra tấn. Vậy nên, từ sáng đến giờ ai cũng tay bắt mặt mừng, biết bao nhiêu chuyện để tâm sự. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều cuộc gặp như hôm nay!".
Cuộc gặp mặt các nữ chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày trong kháng chiến chống Mỹ là cuộc gặp của những con người bằng da, bằng thịt đã trở về từ "địa ngục trần gian" của đế quốc. Các dì, các cô từng chịu nhiều đòn tra tấn, cực hình nhưng vẫn một lòng: "Không bao giờ khuất phục trước kẻ thù, thà chết không đầu hàng. Không phản bội Cách mạng, không phản bội nhân dân". Thời gian có thể xóa mờ nhiều thứ nhưng những câu chuyện về các dì, các cô, về khí tiết của người chiến sĩ Cách mạng mãi mãi không thể phai mờ.