pnvnonline@phunuvietnam.vn
Triển lãm tranh “Yêu quá đời này” truyền tải cảm xúc lạc quan giữa mùa dịch
Họa sĩ Đoàn Hương bên tác phẩm của mình
Một trong những bức tranh gây ấn tượng tại buổi triển lãm là bức sơn dầu "Câu chuyện bếp lửa" của nữ họa sĩ Lê Kim Loan khiến ai đi qua cũng dừng lại thật lâu. Bức tranh gợi lên trong ký ức người xem dáng hình của người thân, người bà, người mẹ, người chị… rất đỗi bình dị, thân thương.
Họa sĩ Lê Kim Loan cho biết bức tranh chủ đích thể hiện hình ảnh của cha chị. Bởi trong gia đình chị, cha là người nhún nhường hơn mẹ, là người chịu thương, chịu khó chăm lo cho gia đình. Và điều này rất tương đồng với tính cách của bà nội. Chính vì thế nữ họa sĩ đến từ Long An này vẽ chân dung cha nhưng đưa vào trong dáng hình của bà nội. Sự khác biệt là chị "nhấn" rõ hơn đường nét của gương mặt cha mình. Vì thế những ai trong gia đình nhìn vào đều nhận ra ngay, đúng là chị vẽ cha mình.
Bức tranh với khổ 115x150 được họa sĩ Lê Kim Loan vẽ bằng tất cả tình cảm dành cho cha , kéo dài suốt 6 tháng. Bởi quá trình vẽ diễn ra trong lúc chị phải tập trung để hoàn tất chương trình Thạc sĩ Khoa hội họa tạo hình tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Bên cạnh đó vẫn đều đặn đi dạy môn mỹ thuật ở trường cấp II Hưng Long – Bình Chánh. Bức "Câu chuyện bếp lửa" được hoàn tất vào cuối năm vừa rồi.
Họa sĩ Lê Kim Loan chia sẻ: "Vừa đi dạy học, vừa đi học, rồi công việc gia đình nhưng tôi vẫn luôn dành thời gian để vẽ. Dù rất vất vả, chật vật thời gian nhưng đã trót đam mê thì mình phải chấp nhận thôi".
Triển lãm "Yêu quá đời này" diễn ra tại không gian GMH (Good morning House), Q.2, TPHCM bắt đầu từ 5/5 đến 20/5. "Yêu quá đời này" với 19 tác phẩm của các họa sĩ ở Câu lạc bộ Tranh Việt (thuộc Cung Văn hóa Lao động TPHCM). Tất cả mang lại một gam màu lạc quan, tươi sáng như một sự động viên nhau bằng tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên giữa những khó khăn của đại dịch.
Họa sĩ Lê Quang Luân - Chủ nhiệm CLB Tranh Việt - cho biết CLB thành lập từ 2006, sinh hoạt thường xuyên tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM vào các ngày hai, tư, sáu. Đây là nơi hội tụ những họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đến để cùng vẽ tranh, giao lưu, cùng với hoạt động đào tạo nghệ thuật hội họa cho người yêu thích.