pnvnonline@phunuvietnam.vn
Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
Bức ảnh "Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn" tại chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL tổ chức Triển lãm với chủ đề Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Triển lãm diễn ra từ ngày 16 đến 27/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) và ngày 24/11/2021 tại tầng 1 Nhà Quốc hội (số 1 đường Độc Lập, quận Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm cũng được tổ chức online trên website: http://trienlamvhnt.vn từ ngày 16/11 đến 31/12/2021.
Triển lãm trưng bày 320 hình ảnh, hơn 123 tài liệu, hiện vật quý với 6 nội dung: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.
Cụ thể, nội dung Văn hóa Việt Nam trước năm 1930 giới thiệu khái quát sơ lược về lịch sử văn hóa Việt Nam qua những hình ảnh về quá trình dựng nước và giữ nước từ thời vua Hùng dựng nước cư dân Văn Lang - Âu Lạc tạo dựng nên nền văn hóa Đông Sơn, các hình ảnh về nền văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo...
Nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam. Thông qua các hình ảnh Bác tới thăm các di sản, di tích lịch sử: đền Hùng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… trưng bày tại Triển lãm, người xem sẽ thấy được quan tâm đặc biệt của Bác đối với di sản văn hóa dân tộc.
Một số hiện vật quý liên quan đến phong cách và lối sống giản dị của Bác, sự giản dị, thanh cao của Bác cũng được giới thiệu như: bộ quần áo lụa nâu Bác mặc từ năm 1954-1964, đôi guốc mộc Bác thường sử dụng, gậy mây, thực đơn, bộ đồ dùng trong bữa ăn hàng ngày của Bác, đũa nhạc trưởng Bác chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc Kết đoàn tại buổi dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960)…
Ở nội dung thứ 3, Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước với sự nghiệp phát triển văn hóa, triển lãm tập trung giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội Đảng. Trong đó, có Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Đồng thời giới thiệu một số hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội qua các thời kỳ thăm và làm việc với các đơn vị, tỉnh, thành phố về lĩnh vực văn hóa.
Phần Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật làm nổi bật những đóng góp của văn hóa nghệ thuật trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nội dung này được chia theo giai đoạn: Vai trò của văn hóa trong giai đoạn 1930-1945, Vai trò của văn hóa trong giai đoạn 1945-1954, Vai trò của văn hóa trong giai đoạn 1954-1975. Đông đảo các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ và nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia kháng chiến với tất cả trí tuệ, tài năng, họ thực sự đã những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Phần Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể theo trong nước cùng các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Phần cuối cùng, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, trưng bày ảnh, tư liệu và số liệu về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong những năm vừa qua.