Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy

Bài, ảnh: Lê Hoa
04/02/2025 - 10:59
Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy

Món kẹo sìu châu, kẹo lạc đặc sản của tỉnh Nam Định

Không chỉ bày bán sản phẩm, những người thợ thủ công gia truyền tại thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, còn trực tiếp “trình diễn” các màn chế biến sản xuất kẹo sìu châu, kẹo lạc, kẹo vừng…, vừa để thu hút khách mua sắm, vừa quảng bá đặc sản làng nghề tới du khách mọi miền về tham dự Lễ hội Phủ Dầy.

Mỗi dịp đầu xuân năm mới, lễ hội Phủ Dầy, chợ Viềng (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đã thu hút rất đông du khách thập phương đến cầu tài, cầu lộc, cầu may.

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 1.

Lễ hội Phủ Dầy là một trong những lễ hội tín ngưỡng lớn nhất cả nước, gắn liền với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian với Nghi lễ chầu văn-hầu đồng.

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 2.

Trong Lễ hội có các nghi lễ chính như: lễ Rước Mẫu Thỉnh Kinh, lễ Rước Đuốc tại Phủ Chính, Lễ kéo chữ Hoa Trượng Hội và các phần hội được tổ chức để lưu giữ những nét văn hóa truyền thống lâu đời của cha ông từ xa xưa như: Thi đấu cờ người tại Phủ Vân Cát, Hát chèo tại Phương du Phủ Tiên Hương, múa rối, đấu vật, kéo co, kéo chữ, Liên hoan Nghệ thuật hát chầu Văn trong Lễ hội Phủ Dầy, nghi thước rước đuốc..

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 3.

Hằng năm, cứ vào mùa lễ hội, đông đảo tín đồ theo đạo Mẫu và du khách thập phương lại trở về Phủ Dầy thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu và tham quan chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc độc đáo, nơi khởi nguồn của nghệ thuật hát chầu văn.

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 4.

Không chỉ gìn giữ những nghi thức tâm linh, người dân địa phương còn gìn giữ và phát triển các nghề làm kẹo đặc sản truyền thống Phủ Dầy như kẹo sìu châu, kẹo dồi lạc vừng… để phát triển kinh tế gia đình.

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 5.

Về với Phủ Dầy, Nam Định, sau khi lễ Mẫu, du khách có thể dễ dàng tham quan các cửa hàng bầy bán kẹo lạc, được trực tiếp xem các người thợ thủ công gia truyền trực tiếp chế biến sản xuất kẹo.

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 6.

Chị Trần Thị Nụ, cơ sở sản xuất bánh kẹo Nụ Vinh (thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), cho biết: Nghề làm kẹo sìu châu, kẹo dồi… tại thông được cha truyền, con nối qua nhiều thế hệ. Mỗi mùa lễ hội, các gia đình sẽ làm các loại kẹo ngay tại khu vực bán sản phẩm, để khách hàng tận mắt tìm hiểu các loại nguyên liệu, quy trình làm kẹo, cũng như chất lượng sản phẩm để yên tâm hơn khi mua và sử dụng.

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 7.

Kẹo sìu châu (kẹo lạc) là một trong những món kẹo truyền thống nổi tiếng của tỉnh Nam Định. Để kẹo sìu châu ngon, cần phải chọn được loại lạc quê, hạt đều nhau, rang chín, sát sạch vỏ. Đường hoặc mật mía đun chảy, cho thêm mạch nha và lạc vào trộn đều. Sau đó đổ hỗn hợp ra khay, dàn mỏng và nhanh tay cắt kẹo đang ấm nóng thành từng thanh vừa ăn. Những người thợ thủ công làm kẹo ngay tại các quầy hàng phục vụ du khách đến với lễ hội Phủ Dầy. Một gói sìu châu lạc có giá bán 35.000 đồng.

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 8.

Cùng với kẹo sìu châu, kẹp dồi cũng là một đặc sản của vùng quê Nam Định. Kẹo có tên là kẹp dồi bởi hình dáng chiếc kẹo giống như món dồi quen thuộc với những người dân miền Bắc. Các nguyên liệu như lạc, đường, mạch nha… được người thợ làng nghề khéo léo gói cuộn trong chiếc kẹo trắng trong, đẹp mắt.

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 9.

Để làm kẹo dồi, cần cho đường và mạch nha vào đun trên lửa nhỏ, cho đến khi hỗn hợp này đạt đến độ quánh dẻo nhất định. Bí quyết khi làm là cho thêm một chút canh nước cốt chanh để hỗn hợp không bị cứng lại. Cho hỗn hợp vừa nấu xong ra thau nhào, nặn nhiều lần để lớp đường chuyển sang màu trắng ngà và có độ kết dính. Sau đó, dàn mỏng, cho lạc rang đã được nhào đường vào giữa và cuộn tròn lại sao cho nhân bên trong không bị rớt ra ngoài.

Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 10.
Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 11.
Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 12.
Trình diễn chế biến đặc sản làng nghề tại Lễ hội Phủ Dầy- Ảnh 13.

Khi làm kẹo dồi, người thợ phải dùng đèn sưởi để giữ cho phần kẹo luôn ấm nóng. Từng công đoạn được phối hợp nhịp nhàng, người nhào nặn phần kẹo thành dồi, người cắt kẹo thành từng khúc ngắn khoảng 3 - 4cm. Để tránh bị dính khi ăn, người thợ sẽ lăn kẹo qua một lớp khô. Một gói kẹo dồi tại Phủ Dầy được bán với giá 40.000 đồng.

Đại diện cơ sở bánh kẹo Hòa Hưng, cổng Phủ chính, Phủ Dầy, Nam Định, cho biết: Vào mỗi mùa lễ hội, du khách đều rất thích thú khi được xem và trải nghiệm quy trình làm kẹo truyền thống của các cơ sở. Những món quà quê hương giản dị này đã theo chân các du khách phương xa về với mọi miền, để các gia đình khi nhâm nhi thưởng thức cùng trà nóng sẽ nhớ đến đặc sản kẹo dồi, kẹo sìu châu; đến những nét đẹp văn hóa tâm linh của Phủ Dầy, Nam Định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm