Trở ngại của đề xuất Hàn Quốc-Triều Tiên đồng tổ chức World cup nữ 2023

13/03/2019 - 13:37
Trước đề xuất Hàn Quốc và Triều Tiên đồng đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá nữ thế giới (World cup nữ) 2023, FIFA rất hoan nghênh, tuy nhiên để đề xuất này đi vào thực tiễn, có lẽ cần một nỗ lực không nhỏ từ nhiều phía.

Trên thực tế, tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn luôn nhen nhóm căng thẳng kể từ sau hiệp định đình chiến kết thúc cuộc nội chiến năm 1950-1953. Căng thẳng ngày càng gia tăng khi Triều Tiên liên tục tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ giữa hai nước dường như đã xuất hiện những dấu hiệu “tan băng” đáng kể.

rao-can-trieu-tien-truoc-y-tuong-cung-han-quoc-dang-cai-giai-vo-dich-bong-da-nu-the-gioi-2023-1.jpg
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn công bố kế hoạch cùng đấu thầu để đăng cai Thế vận hội mùa hè 2032.

Biểu hiện rõ nhất của điều này có lẽ là hình ảnh các vận động viên của hai quốc gia cùng nhau diễu hành dưới chung dưới một lá cờ thống nhất (đây không được coi là lá cờ chính thức ở cả hai quốc gia trên bán đảo) tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Thậm chí, trong môn thi đấu khúc côn cầu trên băng dành cho nữ tại Thế vận hội này, hai quốc gia đã tham gia với chỉ một đội duy nhất gồm các cầu thủ đến từ cả hai quốc gia.

Vào tháng 9/2018, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn công bố kế hoạch cùng đấu thầu để đăng cai Thế vận hội mùa hè 2032.

rao-can-trieu-tien-truoc-y-tuong-cung-han-quoc-dang-cai-giai-vo-dich-bong-da-nu-the-gioi-2023.jpg
Các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc.

Mới đây nhất, đã xuất hiện thông tin hai miền Triều Tiên cùng đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023.

Vào mùa hè năm nay, Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2019 mới được tổ chức tại Pháp, nhưng quá trình đấu thầu cho giải đấu tiếp theo vào 4 năm sau đã được tiến hành. Úc, Nhật Bản, Nam Phi và New Zealand là các quốc gia đã xác nhận ý định đấu thầu.

Từ tháng trước, FIFA đã yêu cầu các quốc gia tham gia đấu thầu phải hoàn tất đăng ký đấu thầu trước ngày 16/4 và gửi hồ sơ đấu thầu trước ngày 4/10.

Hội đồng FIFA sẽ tổ chức bỏ phiếu kín vào tháng 3/2020.

Hàn Quốc cho biết họ đã được FIFA tiếp cận đề nghị đấu thầu cùng với Triều Tiên đăng cai Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023. Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 4/3, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc Hong Myung-bo cho biết: “Lần đầu tiên, FIFA tiếp cận chúng tôi và nói về cuộc đấu thầu chung. Chúng tôi đã thông báo cho chính phủ về vấn đề này”.

rao-can-trieu-tien-truoc-y-tuong-cung-han-quoc-dang-cai-giai-vo-dich-bong-da-nu-the-gioi-2023-2.jpg
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino rất hoan nghênh cuộc đấu thầu chung giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino xác nhận FIFA rất hoan nghênh một cuộc đấu thầu chung giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. “Tôi đã được nghe thông tin hai miền Triều Tiên cùng tổ chức Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023. Thật tuyệt vời! Hai quốc gia đã luôn căng thẳng cho đến gần đây”, Sky News trích dẫn lời chia sẻ của người đứng đầu FIFA.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc Chung Mong-gyu chia sẻ rằng liên đoàn sẽ theo đuổi cuộc đấu thầu chung này sau khi nhận được sự hỗ trợ của chính phủ. Chia sẻ với hãng thông tấn AP, ông Chung cho biết: “Chúng tôi đã gửi đề nghị đến Liên đoàn bóng đá Triều Tiên và hiện đang chờ phản hồi chính thức của họ”.

Dù hiện tại chưa có điều gì chắc chắn về khả năng hai miền Triều Tiên sẽ cùng đứng ra tổ chức Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ vướng phải nhiều rào cản. Trong đó nổi cộm nhất là vấn đề nhân quyền với những lo ngại về việc lạm dụng, tống giam những người bất đồng chính kiến, cũng như những điểm yếu về quyền tự do tôn giáo và ngôn luận.

Bên cạnh đó, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết trong một sớm một chiều và thông qua các thế vận hội. Việc hai quốc gia "bắt tay" trong lĩnh vực thể thao chỉ thể hiện một phần mối quan hệ ấm lên của hai nước. Chắc chắn Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trên bàn đàm phán về hạt nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm