Trồng chuối lấy lá - giải pháp làm sạch môi trường nông thôn mới

Hoàng Sa
31/10/2023 - 18:00
Trồng chuối lấy lá - giải pháp làm sạch môi trường nông thôn mới

Trồng chuối lấy lá đang là giải pháp làm sạch môi trường, góp phần thay đổi thói quen sử dụng nilon

Sử dụng lá chuối thay thế cho túi nylon đang là giải pháp cải thiện ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn, khi xây dựng Nông thôn mới.

Hiện nay, vấn đề loại bỏ rác thải nhựa là túi nilon, gây ô nhiễm môi trường đang được nhiều vùng nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền và áp dụng. 

Nhiều Hội LHPN ở cơ sở thường tổ chức tuyên truyền vận động hội viên và người dân tham gia giữ gìn môi trường thay thế túi nilon, bằng cách sử dụng lá chuối để gói hàng, và sử dụng vào nhiều việc khác thay cho thói quen sử dụng túi nilon.

Trồng chuối lấy lá - giải pháp làm sạch môi trường nông thôn  - Ảnh 1.

Lá chuối đang thay thế túi nilon, giúp làm sạch môi trường nông thôn

Bà Nguyễn Thị Hòa, ở xã Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên, cho biết: "Hội LHPN xã thường tuyên truyền sử dụng lá chuối thay thế cho túi nilon, nên chúng tôi đi chợ buôn bán hàng ngày đều thực hiện, mang theo lá chuối để gói hàng cho khách. Tuy rằng nó bất tiện hơn dùng nilon, nhưng đây là việc bảo vệ môi trường nên chị em trong chợ quê ở thôn Kênh Thượng, xã Liên Khê này đều tuân thủ".

Bà Trần Thị Chiến, ở xã Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên, chia sẻ: "Lá chuối là loại dễ tiêu hủy trong môi trường tự nhiên, sử dụng loại này rất thân thiện và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trước kia duy trì sử dụng túi nilon, rồi vứt lung tung ra môi trường nhìn nhếch nhác và rất phản cảm. Nhất là hình ảnh ở các bãi tập kết rác thải, nhìn màu mè xanh đỏ, lúc đốt rác thì mùi khét kinh khủng. Gió thổi ô nhiễm khắp đường làng, ngõ xóm".

Lá chuối trở thành ngành hàng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp

Ngày nay, lá chuối đã trở thành sản phẩm sản xuất nông nghiệp của nhiều gia đình, nhiều địa phương, với số lượng lớn, được luân chuyển đi nhiều tỉnh thành, phục vụ nhu cầu sản xuất thực phẩm rất đa dạng và tiện ích. 

Anh Nguyễn Văn Nam, ở Khoái Châu, Hưng Yên, tổ chức trồng 1,5 ha ngoài bãi sông Hồng chỉ để lấy lá bán hàng ngày. Số lượng lá chuối của nhà anh Nam hiện nay không đủ để cung cấp cho thị trường. 

Chia sẻ với PV Báo PNVN, anh Nam cho hay: "Ngày xưa thì không mấy ai nghĩ đến việc trồng vài ha chuối chỉ để bán lá. Nhưng nay thì lá chuối lại là một mặt hàng bán rất chạy, với mức giá từ 6 - 7 nghìn đồng/kg tại ruộng, có bao nhiêu họ cũng về cân hết. 

Trồng chuối lấy lá - giải pháp làm sạch môi trường nông thôn  - Ảnh 2.

Ngay nay có nhiều Hội nhóm mua bán lá chuối với số lượng lớn, tạo ra ngành sản xuất hàng hóa cho người dân nông thôn

Bà Hoàng Thị Minh, ở xã Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên, chủ một cơ sở làm bánh chưng, bánh giò, chia sẻ: "Chúng tôi làm bánh nên tiêu thụ lá chuối khá nhiều, hiện nay được cái tiện lợi là người dân ở các địa phương lân cận đều sản xuất lá chuối kiểu chuyên canh. Nên việc mua lá cũng rất thuận lợi. Người tiêu dùng thấy hàng hóa sử dụng lá chuối đóng gói, họ cũng ưng hơn, cảm giác thân thiện hơn".

Theo quan sát của phóng viên, tại chợ quê ở khu vực xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Nhiều người dân đi bán hàng ở khu chợ này đều mang theo lá chuối để gói hàng cho khách. Từ cửa hàng bán thịt, bán rau, đều mang theo lá chuối. Tuy rằng việc sử dụng túi nilon cũng vẫn còn. Nhưng việc xuất hiện của lá chuối đã góp phần làm giảm tỷ lệ sử dụng túi nilon. 

Bà Lý Thị Hợp, Chủ tịch Hội LHPN xã Phụng Công, cho hay: Hội LHPN xã chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động chị em sử dụng lá chuối thay thế cho túi nilon, để giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần giảm lượng túi nilon xả rác ra môi trường. Hiện nay người dân đi chợ cũng mang theo làn, xe kéo, để đựng hàng hóa khi được đóng gói bằng lá chuối, điều này góp phần vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới rất tích cực ở địa phương".

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều Hội nhóm sản xuất canh tác chuối lấy lá, điều này cho thấy, đây là ngành hàng có tiềm năng phát triển rất lớn. Lá chuối góp phần làm xanh, sạch, đẹp môi trường nông thôn... 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm