Với dân số lên tới gần một tỷ, năm 1979, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách một con gây tranh cãi gay gắt. Các quan chức ước tính, chính sách này đã ngăn chặn 400 triệu ca sinh nở. Các nhà phê bình cho rằng, nó đã đi ngược lại với quyền con người và khuyến khích phá thai có chọn lọc giới tính theo hướng có lợi cho con trai.
Nếu chính sách một con vẫn còn tiếp tục được thực thi, đến năm 2050, hơn 1/4 dân số Trung Quốc được dự đoán sẽ trên 65 tuổi.
Với lo ngại dân số già đi sẽ làm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, vào tháng 10/2015, chính quyền quốc gia tỷ dân đã công bố chính sách hai con. Chính sách này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2016.
Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bắc Kinh, chính sách hai con đặc biệt nhắm vào 90 triệu phụ nữ Trung Quốc đang trong độ tuổi sinh sản và đã có một con.
18 tháng sau khi chính sách hai con có hiệu lực, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc đã có thêm 5,4 triệu trẻ ra đời. Nghe có vẻ nhiều, nhưng con số này vẫn còn quá xa so với mục tiêu 20 triệu trẻ/năm mà chính quyền nước này đề ra. Đồng thời, gia tăng lo ngại đối với những trường hợp phụ nữ lớn tuổi mang thai sẽ có nguy cơ gặp biến chứng khi sinh cao hơn.
Để hiểu rõ hơn về điều này, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Jie Qiao dẫn đầu, đã phân tích tỷ lệ sinh và “đặc điểm sinh liên quan đến sức khỏe” trước và sau khi thay đổi chính sách.
Các nhà nghiên cứu sử dụng hai cơ sở dữ liệu quốc gia được đo đến tháng 6/2016 (9 tháng sau khi công bố chính sách hai con) và từ tháng 6 đến tháng 12/2017, đồng thời dựa trên 67,8 triệu ca sinh tại 28 trên 31 tỉnh của Trung Quốc đại lục. Họ ước tính có thêm 5,4 triệu ca sinh trong 18 tháng đầu tiên sau khi thay đổi chính sách có hiệu lực.
Lần đầu tiên, số ca sinh nở ở những người phụ nữ đã có con cao hơn ở những người lần đầu làm mẹ.
Sự thay đổi trong chính sách cũng liên quan đến việc tỷ lệ sinh ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên tăng 59%. Ngoài ra, số ca sinh non (thường gặp ở những bà mẹ lớn tuổi) không tăng.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận sự giảm nhẹ trong các ca sinh mổ trong lần sinh nở lần đầu. Khi chính sách một con còn hiệu lực, hầu hết các bà mẹ chọn sinh mổ. Sự thay đổi trong chính sách có thể cũng đã mang lại một sự thay đổi trong suy nghĩ về sinh tự nhiên.
Mặc dù vậy, nghiên cứu đã viết: “Cần phải nghiên cứu thêm nhằm đảm bảo sức khỏe của các bà mẹ lớn tuổi lần thứ hai làm mẹ tại một quốc gia, nơi tỷ lệ sinh mổ cao”.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả nghiên cứu còn cho thấy sự gia tăng trong tỷ lệ sinh vẫn giữ nguyên cho đến cuối thời gian nghiên cứu. Điều này cho thấy những tác động của sự thay đổi chính sách có thể không được duy trì.
Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy, các ca sinh tăng lên để đáp ứng với thay đổi luật pháp, mặc dù, sự thay đổi này không nhiều như một số nhà hoạch định chính sách hy vọng.
Cũng theo nghiên cứu: “Ngay cả khi đạt được mục tiêu 20 triệu trẻ sinh ra mỗi năm, việc sinh nở quá mức liên quan đến chính sách hai con vẫn sẽ chỉ tác động ở mức hạn chế đến tương lai nhân khẩu học dài hạn của Trung Quốc, đặc biệt là sự sụt giảm của lực lượng lao động dự kiến trong khoảng 30 năm tới”.