Trung Quốc đối mặt với tình trạng dân số già và tăng trưởng âm

25/06/2019 - 11:36
Chính phủ Trung Quốc đã xóa bỏ chính sách một con và khuyến khích sinh con thứ hai từ năm 2016 nhưng không mấy hiệu quả. Số trẻ sinh ra ở nước này trong năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ qua. Điều này khiến quốc gia tỷ dân đang phải đối mặt với bài toán nhân khẩu học ngày càng trầm trọng.
Hủy bỏ chính sách một con không làm tăng dân số
 
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán tổng dân số của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 1,442 tỷ người vào năm 2029, sau đó giảm xuống còn 1,364 tỷ người vào năm 2050. Còn theo Liên hợp quốc đến năm 2100, Trung Quốc chỉ còn 1,065 tỷ người, chiếm chưa đến 10% dân số toàn cầu. Hiện tại trên thế giới cứ 5 người thì có một người Trung Quốc. Tuy nhiên tỷ lệ này sẽ giảm xuống 10-1 vào năm 2100.
 
tre-em-trung-quoc.jpg
Trẻ em Trung Quốc

  

Năm 2015, Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách một con. Ban đầu, các nhà nhân khẩu học dự đoán sự thay đổi này sẽ mang đến một đỉnh cao dân số mới. Tuy nhiên, năm 2017 tỷ lệ sinh sản của Trung Quốc chỉ là 1,6 trẻ sơ sinh/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với con số 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Số trẻ sinh trong năm 2018 tại Trung Quốc giảm 2 triệu so với năm 2017, chỉ đạt 15,23 triệu. Tại thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, một trong những khu vực đông dân nhất Trung Quốc, số trẻ sinh từ tháng 1 đến 11/2018 chỉ đạt 81.000, giảm tới 21% so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo giới chuyên gia, tỷ lệ sinh thấp và số trẻ em được sinh ra thấp trong 2 năm qua cho thấy giới trẻ Trung Quốc không sẵn sàng sinh thêm con. Nhiều bậc cha mẹ trẻ tuổi ở nước này lo ngại không có đủ chi phí nuôi dạy con nếu sinh thêm, bởi xã hội Trung Quốc đã quen với việc dồn nguồn lực gia đình vào một đứa con duy nhất. Ngoài ra, số người đăng ý kết hôn ở Trung Quốc giảm liên tục từ năm 2013, số vụ ly hôn tăng từ năm 2006. "Nhiều người trẻ không còn xem chuyện lập gia đình và sinh con là quan trọng nữa", báo Time dẫn lời giáo sư Gu Baochang thuộc Đại học Bắc Kinh.
 
tre-em-trung-quoc-2.jpg
Tỷ lệ sinh giảm

 

Có thể nói Trung Quốc đang bước vào khủng hoảng nhân khẩu học trong bối cảnh khuyến khích người dân sinh thêm con thất bại. Trong nỗ lực mới nhất để cải thiện tỷ lệ sinh, Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc tuyên bố sẽ tập trung vào vấn đề chăm sóc thai sản và sức khỏe gia đình để khuyến khích người dân sinh thêm con. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên bùng nổ kinh tế và kiểm soát sinh nở chặt chẽ, người dân tỏ ra lưỡng lự hơn khi sinh thêm con so với dự đoán. Hiện tại, khi có quyền hợp pháp để có nhiều con hơn, nhiều cặp vợ chồng lại không muốn sinh vì họ cho rằng nuôi một đứa trẻ quá tốn kém. Chi phí cho cuộc sống tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… rất đắt đỏ. Vì vậy, nhiều người muốn dồn hết mọi điều tốt đẹp cho đứa con duy nhất.
 
Bên cạnh đó, sự già hóa dân số lại tỷ lệ nghịch với sự chăm sóc cần thiết. Gánh nặng đổ dồn lên vai con cái họ. Những cặp vợ chồng chỉ có một con, thì đứa con đó đương nhiên phải một mình chăm sóc cho cả cha mẹ lẫn ông bà, thay vì được san sẻ nếu có anh chị em.
 
Mất cân bằng giới tính và thiếu hụt lao động
 
Hạn chế sinh đẻ được cho là giúp Trung Quốc đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế trong mấy thập kỷ qua, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy. Chính sách một con khiến Trung Quốc phải hứng chịu một quả bom hẹn giờ. Với khoảng 1,4 tỷ người, chiếm 19% dân số toàn cầu, dân số Trung Quốc đang ngày một già đi khiến nguồn lực lao động trở nên thiếu hụt. Viện Kinh tế Dân số cảnh báo tình trạng dân số suy giảm và ngày càng lão hóa sẽ dẫn tới những hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2015, Trung Quốc có 222 triệu người trên 60 tuổi, chiếm khoảng 17% dân số. Đến năm 2040, ước tính gần 25% dân số Trung Quốc sẽ là người già (trên 60 tuổi). Một thập kỷ sau đó, số người già Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 487 triệu, chiếm gần 35% tổng dân số. Trung Quốc hiện không có đủ người trẻ để cung cấp nguồn lao động giá rẻ cho các ngành công nghiệp sử dụng lao động phổ thông. Ước tính đến năm 2050, 1/4 dân số nước này ở độ tuổi 65 trở lên. Dân số lão hóa cũng đẩy chi phí lương hưu và chăm sóc y tế gia tăng. Chính phủ Trung Quốc sẽ phải chi hàng chục tỷ USD để chi trả lương hưu và chăm sóc y tế cho người già.
 
nguoi-gia-tq.jpg
Người già gia tăng

  

Các chuyên gia cho biết lực lượng lao động trẻ là yếu tố quan trọng quyết định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, giúp quốc gia này thu hút đầu tư nước ngoài. Người lao động trẻ có học thức cũng là đối tượng tiêu dùng chính của nền kinh tế. Thế nhưng, từ năm 2018, số người từ 16 đến 59 tuổi tiếp tục giảm 4,7 triệu so với năm 2017, xuống còn 897,3 triệu. Dự báo lực lượng lao động Trung Quốc sẽ sụt giảm tới 23% vào năm 2050. Khi lực lượng lao động suy giảm, thu nhập tăng sẽ buộc các doanh nghiệp nước ngoài di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các công ty trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Điều đó sẽ khiến tăng trưởng Trung Quốc chậm lại nhanh chóng. Theo báo cáo của Dự án Cải tổ Bảo vệ Xã hội Trung Quốc - EU, đến năm 2050 tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chỉ còn đạt 2%. Lẽ ra GDP Trung Quốc có thể được duy trì ở mức 4% nếu dân số phát triển ổn định.
 
lao-dong-nu-trung-quoc-1.jpg
Thiếu lao động trẻ

  

Ngoài vấn đề dân số lão hóa và thiếu lao động, chính sách này còn là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính. Số nam giới ở nước này hiện nhiều hơn số phụ nữ 30 triệu người. Theo cuốn CIA World Fact Book, Trung Quốc có tỷ lệ 106 nam/100 nữ, so với mức 102 nam/100 nữ trên toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, số nam giới Trung Quốc cao hơn nữ giới khoảng 34 triệu. Ước tính vào năm 2020, sẽ có 24 triệu nam thanh niên Trung Quốc đến độ tuổi kết hôn không thể lấy vợ. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều nam giới Trung Quốc không thể lấy vợ hoặc phải lấy vợ là cô dâu "nhập khẩu" từ quốc gia khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm