Trung Quốc: Nữ sinh 17 tuổi thắng cuộc thi sửa chữa ô tô

Kim Ngọc
03/07/2021 - 08:30
Trung Quốc: Nữ sinh 17 tuổi thắng cuộc thi sửa chữa ô tô

Gu Huijing, 17 tuổi - nữ sinh chiến thắng cuộc thi sửa ô tô tại một trường nghề ở Trung Quốc. Ảnh: Artwork

Gu Huijing, 17 tuổi đến từ Thâm Quyến, Trung Quốc, đã trở thành nữ sinh đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc thi về sửa chữa ô tô. Gu cũng đã phá kỷ lục về việc tháo lắp lại động cơ ô tô với thời gian 26 phút.

Mới đây, Gu Huijing, nữ sinh 17 tuổi ở miền nam Trung Quốc trở nên nổi tiếng với kỹ năng sửa chữa ô tô của mình. Ngoài ra, sự việc cũng làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về ranh giới của giới tính và việc làm cũng như tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp.

Xuất phát từ đam mê mà làm nên chuyện

Gu Huijing học tại trường Kỹ thuật dạy nghề số 2 Thâm Quyến. Được biết cô vượt trội hơn hẳn các bạn cùng trang lứa. Đam mê về cơ khí ô tô đã giúp Gu giành chiến thắng trong cuộc thi sửa chữa ô tô – một lĩnh vực nam giới thống trị từ trước đến nay.

Theo đó, vào tháng 4, Gu giành giải nhất trong cuộc thi sửa chữa ô tô do trường dạy nghề tỉnh Quảng Đông tổ chức. Cô trở thành nữ sinh đầu tiên trong tỉnh tham dự và giành giải thưởng, tờ Southern Metropolis Daily đưa tin.

Ngoài ra, Gu cũng phá kỷ lục về thời gian tháo lắp động cơ ô tô của trường, thiết lập kỷ lục mới là 26 phút, nhanh hơn 30 giây so với người giữ kỷ lục trước đó.

Kể từ đó, cô nữ sinh trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người ca ngợi cô gái trẻ vì đã phá bỏ định kiến giới trong vấn đề việc làm.

"Nhiều người nghĩ rằng sửa chữa ô tô là công việc của nam giới và không hợp với nữ giới. Đây đã trở thành một khuôn mẫu. Phụ nữ thực sự có lợi thế riêng của họ trong lĩnh vực này. Ví dụ: họ tập trung hơn vào các chi tiết. Cho nên, cháu nghĩ không có ranh giới giới tính tại môi trường làm việc", Gu nói.

Trung Quốc: Nữ sinh 17 tuổi thắng cuộc thi sửa chữa ô tô - Ảnh 1.

Gu (giữa) cho biết cô đã thích ô tô từ khi còn nhỏ. Ảnh: Baidu

Gu cho biết, cô yêu thích và bộc lộ niềm đam mê xe cộ từ khi còn nhỏ. Nhưng gia đình Gu không ủng hộ con gái theo học ngành công nghệ ô tô sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 2019.

"Gia đình cháu nghĩ rằng việc sửa chữa ô tô không phù hợp với nữ giới. Họ muốn cháu học một ngành gì đó tương đối dễ với một cô gái, hay một ngành mà làm việc trong môi trường thoải mái hơn", cô nói.

Dù ban đầu có chút khó chịu với bụi bẩn và dầu mỡ bám trên người, cô dần dần thích nghi được cảm giác khó chịu này vì niềm đam mê với công việc sửa chữa ô tô.

Sau một thời gian gắn bó với ngành học, Gu còn chia sẻ, xăng có mùi thơm và tiếng động cơ nghe rất vui tai.

Trong bốn tháng trước khi cuộc thi diễn ra, Gu mỗi ngày đều thức dậy lúc 6 giờ sáng và làm việc đến tận khuya.

"Cháu tin rằng các cô gái cũng có thể làm tốt những công việc mà mọi người thường cho rằng chỉ có nam giới làm tốt. Chưa kể, học nghề cũng là lựa chọn của nhiều học sinh. Nó có thể giúp mọi người tìm thấy khả năng phù hợp để phát triển bản thân trong tương lai", Gu nói.

Cộng đồng mạng tán thưởng

Chủ đề cô gái 17 tuổi Gu Huijing giành giải nhất trong cuộc thi sửa chữa ô tô cấp tỉnh trên Weibo đã đạt 200 triệu lượt đọc và hơn 22.000 bình luận vào hôm thứ Năm, với nhiều người kêu gọi xóa bỏ định kiến giới tại nơi làm việc.

Trung Quốc: Nữ sinh 17 tuổi thắng cuộc thi sửa chữa ô tô - Ảnh 2.

Gu cho biết ban đầu bố mẹ phản đối cô theo học tại trường dạy nghề. Ảnh: Baidu

"Đối với những vấn đề không đòi về sức khỏe, nam giới và nữ giới đều bắt đầu từ một xuất phát điểm. Sự khác biệt chỉ nằm ở việc ai sẵn sàng bỏ ra nhiều công sức hơn", một cư dân mạng bình luận.

"Thật là một cô gái dũng cảm và tuyệt vời. Liệu một người có thể thành công trong một lĩnh vực nào đó mà không liên quan đến giới tính không? Bạn sẽ thành công nếu bạn làm việc chăm chỉ", một người khác bày tỏ quan điểm.

Câu chuyện giáo dục ở Trung Quốc

Câu chuyện của Gu cũng tạo ra cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề học nghề ở Trung Quốc. Trong khi các nhà chức trách đang nỗ lực thúc đẩy việc học nghề, nhiều bậc cha mẹ không ủng hộ hình thức giáo dục này vì thu nhập của những người làm việc văn phòng thường cao hơn.

Với nỗ lực ổn định thị trường việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết rằng, các năm 2020 và 2021, trường dạy nghề trên khắp Trung Quốc sẽ tuyển sinh nhiều hơn 2 triệu học sinh so với kế hoạch trước.

Đồng thời, ông cũng lưu ý hơn 35 triệu người sẽ được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong cùng thời kỳ. Năm 2019, các trường dạy nghề của Trung Quốc đã tuyển thêm 1 triệu sinh viên so với năm trước.

Ở Trung Quốc, sau 9 năm giáo dục bắt buộc, học sinh phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để được vào trường trung học phổ thông. Học sinh Trung Quốc cũng học phổ thông trong 3 năm và sau đó có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học.

"Đúng vậy, việc bạn không đạt điểm cao ở kì thi tuyển sinh lớp 10 và không được trường trung học phổ thông nhận vào cũng không sao cả. Bạn có thể trở thành một nhân viên tuyệt vời sau khi theo học tại một trường dạy nghề. Nhưng với tư cách là bậc cha mẹ, sự khác biệt giữa công việc chân tay và công việc văn phòng là mùi trên cơ thể, mùi nước hoa sang trọng và mùi xăng sẽ không giống nhau. Bạn muốn trên người con cái là mùi gì? " một người dùng Weibo bình luận về trường hợp của Gu.

Nguồn: SCMP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm