pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trung ương Hội LHPN Việt Nam truyền thông phòng, chống mua bán người tại phiên chợ vùng cao Bắc Hà - Lào Cai
Một tiểu phẩm truyền thông về phòng, chống mua bán người tại phiên chợ vùng cao Bắc Hà ngày 28/7. Ảnh: PVH
Chương trình truyền thông này là một trong số các hoạt động hướng tới Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người", "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2024 sẽ được tổ chức tại thành phố Lào Cai vào ngày 30/7 tới đây.
Hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người tại phiên chợ vùng cao Bắc Hà nhằm cung cấp cho bà con những thông tin về tình hình mua bán người; những thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm mua bán người và đặc biệt là giới thiệu về dịch vụ miễn phí của Ngôi nhà Bình yên để bà con có thể liên hệ, tìm sự hỗ trợ khi cần.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 "Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030" và được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF hỗ trợ.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Trong thời gian qua, nước ta đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống mua bán người và được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra khá phức tạp.
Theo Bộ Công an, tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 02/2023, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó, xác định gần 8.000 người là nạn nhân; phần lớn nạn nhân là phụ nữ, trẻ em (chiếm khoảng 90%) và đa số thuộc các dân tộc ít người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (chiếm hơn 80%).
Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, được che giấu dưới nhiều hình thức như: Tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Hơn thế nữa, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, thay vì tiếp cận và làm quen với nạn nhân trực tiếp, các đối tượng phạm tội tăng cường sử dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, làm cho việc truy tìm tội phạm thêm khó khăn.
Đặc biệt, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gấp đôi người lớn khi bị mua bán. Với sự phát triển của công nghệ khiến trẻ em tiếp tục trở thành đối tượng bị bóc lột tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cho phép những kẻ mua bán người bóc lột nạn nhân ở phạm vi xuyên biên giới. Theo đó, Liên hợp quốc đã lấy Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 là "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người" nhằm kêu gọi các quốc gia tăng cường các hoạt động bảo vệ trẻ em, hỗ trợ nạn nhân và con cái họ, giải quyết vấn nạn bóc lột trực tuyến… và phòng ngừa từ xa bằng các hoạt động giảm nghèo bền vững...
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: Với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực ứng phó với vấn đề mua bán người như: Truyền thông nâng cao nhận thức của người dân cộng đồng, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bằng nhiều hình thức phong phú; Tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ; Tham gia xây dựng, Giám sát và phản biện xã hội luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ.
Đặc biệt, Hội LHPN Việt Nam đã tiên phong trong việc xây dựng nhà tạm lánh đầu tiên ở Việt Nam mang tên Ngôi nhà Bình yên, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục và mua bán người nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho nạn nhân.
Để ngăn ngừa tội phạm mua bán người, đặc biệt là nạn mua bán trẻ em, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương đề nghị bà con hãy quan tâm, chăm lo hơn nữa đến con cháu mình; luôn đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn của những kẻ buôn người. Nếu bà con muốn tìm kiếm cơ hội việc làm có thu nhập tốt thì cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn chính thống như từ chính quyền và các Hội đoàn thể tại địa phương, tránh rơi vào bẫy "việc nhẹ lương cao".
Đồng thời khuyến cáo, bà con phát hiện bản thân mình hay những người khác có dấu hiệu bị lừa gạt mua bán, hãy liên hệ với Tổng đài 1900969680 hoặc báo cáo với cán bộ Hội LHPN hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
Sau 17 năm hoạt động, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận và hỗ trợ tạm lánh hơn 1.700 phụ nữ, trẻ em, trong đó có 463 nạn nhân mua bán người, gồm 159 nạn nhân là trẻ em đến từ 56/63 tỉnh/thành, thuộc 17 dân tộc, riêng số nạn nhân của tỉnh Lào Cai là 27 người (chiếm gần 50% trong số đó là trẻ em).
Từ năm 2016, ngày 30/7 hàng năm được lấy là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.