Trước khi chết, người phụ nữ Thanh Hóa hiến giác mạc giúp hai người

02/06/2018 - 23:17
Chị T.T.N. (28 tuổi) phát hiện mình bị ung thư cách đây 4 năm. Chị đã điều trị nhưng vẫn không đỡ. Trước khi qua đời, vợ chồng chị đã quyết định hiến giác mạc để giúp mang lại ánh sáng cho 2 người khác.
Ngày 2/6, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt (BV Mắt TƯ) cho biết, vừa tiếp nhận giác mạc của chị T.T.N. (28 tuổi, quê Thanh Hóa) sau khi qua đời. Hiện tại, giác mạc của chị N. đã được bảo quản để chờ ghép cho 2 bệnh nhân thích hợp.
Ông Hoàng cho biết, chị N. phát hiện mình bị ung thư cách đây 4 năm. Bệnh nhân đã điều trị nhưng không đỡ. Trước khi qua đời, bệnh nhân có ước nguyện là có thể giúp được bất kỳ ai đó tìm lại được ánh sáng nên đã liên hệ với Ngân hàng Mắt.
Ngày 1/6/2018, ngay sau khi nhận được thông tin, cả nhóm kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt đã tới Thanh Hóa để nhận 2 giác mạc được hiến tặng. Khi đến gia đình, các bác sĩ, kỹ thuật viên rất bất ngờ vì gia đình người thân rất thương tiếc nhưng tất cả mọi người đều nhất trí đồng tình với nguyện vọng của vợ chồng trẻ.
Bảo quản giác mạc tại Ngân hàng Mắt

Sau khi làm các thủ tục, kíp phẫu thuật đã tiến hành lấy giác mạc. Đến 2h30 sáng, nhóm kỹ thuật về đến Hà Nội, hiện 2 giác mạc đã được đưa về lưu trữ tại Ngân hàng Mắt chờ tặng lại cho người phù hợp.

Theo ông Hoàng, tại Việt Nam hiện có hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Nguyên nhân gây mù giác mạc là do viêm loét giác mạc, bỏng giác mạc, giác mạc hình chóp, chấn thương mắt, loạn dưỡng di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt.
Cũng theo ông Hoàng, số bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc hiện nay khoảng 1.000 người. Tuy nhiên, Ngân hàng Mắt chỉ có thể cung cấp khoảng 200 giác mạc cho các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhân không may bị mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra.
Giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen, giúp ánh sáng đi qua và hội tụ ở đáy mắt, giúp chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật. Vì vậy, khi hiến giác mạc, các kỹ thuật viên chỉ bóc tách lớp màng mỏng đó, điều này không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt người hiến và cũng không gây chảy máu.
Ông Hoàng cho biết, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Đồng thời, giác mạc của người hiến tặng có thể lấy ở bất cứ đâu (nhà, bệnh viện hay nhà xác). Những người có thị lực kém, có tật khúc xạ, đã từng phẫu thuật về mắt hay những người mắc bệnh nan y như ung thư, đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm