pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trường đại học "chạy đi tìm" thí sinh và những tổ hợp xét tuyển "tréo ngoe"

Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Chủ động thu hút người học, nâng chất lượng đào tạo
Một lãnh đạo của Học viện Tài chính chia sẻ, khoảng hơn 10 năm trước, trường "đứng yên một chỗ" chờ người học chạy đến. Nhất là những trường lớn, có sức hấp dẫn, nguồn tuyển dồi dào thì đóng cửa như "tháp ngà". Nhưng nay, chúng tôi đã phải thay đổi suy nghĩ, chủ động mở cửa quảng bá, thậm chí đi tới các địa phương, đến tận trường THPT để giới thiệu, cung cấp thông tin.
"Có thể không quảng bá, trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng việc chủ động truyền thông sẽ giúp trường thu hút được người học thực sự mong muốn và có khả năng phù hợp với mục tiêu đào tạo. Đây cũng là một cách để nâng chất lượng đào tạo. Câu chuyện ‘tiếp thị’ không phải chỉ là việc của những cơ sở đào tạo ế ẩm", vị lãnh đạo trên cho biết.

"Tiếp thị" để tuyển sinh không phải chỉ là việc của những cơ sở đào tạo ế ẩm.
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, một trong những trường dạy nghề tuyển sinh ổn định trong nhiều năm qua chia sẻ: Nhiều năm nay trường cam kết với người học "Nếu tốt nghiệp không xin được việc làm đúng ngành nghề được học thì trường sẽ hoàn trả toàn bộ học phí đã đóng cho trường".
Chúng tôi không phải chỉ cam kết suông mà phải xây dựng chương trình sát với nhu cầu doanh nghiệp, kết nối với các doanh nghiệp để cùng đào tạo, có môi trường cho học viên thực hành… Tuy nhiên, nếu không chủ động giới thiệu các chính sách và định hướng đào tạo thì nhiều bạn trẻ sẽ không biết đến. Trước đây nhiều bạn trẻ sẵn sàng vào học một trường đại học không danh tiếng, với ngành nghề không phù hợp thay vì học cao đẳng nghề thì nay đã ngược lại, nhiều bạn đã đỗ đại học nhưng lại lựa chọn chúng tôi.
Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội… nằm trong nhóm cơ sở đào tạo lớn với điểm xét tuyển hàng năm rất cao. Nhưng đại diện các trường này đều cho rằng việc chia sẻ thông tin nhiều nhất có thể đến với phụ huynh, học sinh phổ thông là một trong những cách định hướng nghề nghiệp sớm tốt nhất để tránh việc học sinh thiếu thông tin lựa chọn sai đường.
"Học trường có ‘thương hiệu’ chưa chắc đã giúp các bạn trẻ thành công nếu nó không phù hợp và không cho các bạn ấy động lực để học đến nơi đến chốn", cô Vũ Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương chia sẻ.
Vàng thau lẫn lộn
Dù không phủ nhận việc cung cấp thông tin cho thí sinh là cần thiết, nhưng bên cạnh yếu tố tích cực việc này cũng có những mặt tiêu cực khi tình trạng cạnh tranh để thu hút người học diễn ra phổ biến, đặc biệt ở các trường có sức hấp dẫn kém, trường tư.
Tung học bổng "khủng" là một chiêu thu hút người học của nhiều trường đại học tại Hà Nội và TPHCM. Năm 2025, có trường đại học thuộc lĩnh vực công nghệ ở Hà Nội công bố quỹ học bổng trị giá gần 100 tỷ đồng. Tại TPHCM một số trường cũng công bố nhiều chương trình học bổng khác nhau cho tân sinh viên trị giá hàng tỷ đồng.
Có những trường công bố chính sách thưởng tiền, thưởng laptop cho sinh viên có điểm xét tuyển cao, sinh viên đăng ký xét tuyển theo một số phương thức được ưu tiên. Kèm theo học bổng, tiền thưởng, là những quảng bá về điều kiện cơ sở vật chất. Một số trường giới thiệu các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế…
Tuy nhiên, những chính sách ưu đãi hấp dẫn được thông tin nhiều khi không đúng với thực tế. "Đúng là chính sách học bổng, nhưng mức học bổng sinh viên được nhận rất ít so với tổng quỹ học bổng trường công bố vì quỹ chia nhỏ cho nhiều chương trình khác nhau và không bù đắp được học phí và các chi phí khác khi vào trường", một sinh viên chia sẻ về trường mình học.
Sinh viên này thú nhận trong tình huống không có định hướng rõ rệt về ngành nghề đào tạo, nên cậu đã lựa chọn một trường công bố mức học bổng hấp dẫn nhưng thực tế lại không như trường công bố.
Tương tự, nhiều sinh viên cũng bị thu hút bởi các chương trình "trao đổi sinh viên quốc tế" với Anh, Mỹ, Úc… nhưng khi vào học mới biết các chương trình "trao đổi" chỉ thực hiện với các đại học có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam…
Tận dụng nguồn tuyển bằng tổ hợp xét tuyển lạ
Năm 2025, nhiều cơ sở đào tạo vẫn công bố đến 10-15 tổ hợp xét tuyển khác nhau. Đáng nói là có nhiều tổ hợp lạ. Ngành Y khoa thường tuyển sinh với tổ hợp truyền thống là Toán, Hóa, Sinh trong đó môn Hóa, Sinh được xem là các môn quan trọng. Nhưng hiện tại một số trường tuyển sinh ngành Y, Dược không có Hóa, Sinh. Hay ngành Công nghệ Sinh học nhưng tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh như Trường ĐH Phan Châu Trinh; ngành y khoa Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội) ngoài xét tuyển Toán - Hóa - Sinh còn tuyển các tổ hợp Toán - Văn - Tiếng Anh, Toán - Lý - Hóa, Toán - Lý - Tiếng Anh, Văn - Toán - Địa lý.
Trường ĐH Văn Lang cũng xét tuyển nhiều tổ hợp lạ cho khối ngành sức khỏe, trong đó có y khoa với các tổ hợp tréo ngoe như Toán - Hóa - Giáo dục kinh tế pháp luật; Toán - Hóa - Công nghệ…
Một số trường sư phạm tuyến sinh cả những tổ hợp không có môn chính phù hợp với ngành đào tạo. Ví dụ trường ĐH Thủ dô tuyển sinh ngành sư phạm Vật lý với tổ hợp không có môn Vật lý. Một số trường khác sử dụng tổ hợp Toán - Văn - Anh để tuyển sinh cho các ngành như sư phạm Vật lý, Hóa học, Lịch sử…
Ở khối Nông- Lâm - Ngư, có trường tuyển sinh công nghệ sinh dược, công nghệ sinh học với tổ hợp Toán - Hóa - Anh, Toán - Vật lý - Anh, Toán - Ngữ văn - Anh. Các tổ hợp này thiếu vắng môn Sinh học, vốn được xem là môn chính của nhóm ngành này.
Giải thích về việc này, đại diện các trường cho rằng đó là cách để "tạo cơ hội nhiều hơn cho thí sinh và đảm bảo công bằng trong tiếp cận đại học". Tuy nhiên, đằng sau lý do "nhân văn" này là mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội thu hút người học để đảm bảo chỉ tiêu.
Việc này không chỉ gây nên hệ lụy là chất lượng đầu vào bất ổn mà còn làm gia tăng việc lựa chọn sai nghề của nhiều thí sinh.
(Còn tiếp)