Sau nhiều năm giữ nguyên hình thức thi truyền thống là tự luận với hai môn văn, toán, năm 2019 Hà Nội chính thức thay đổi cách thi tuyển vào lớp 10. Theo đó, thí sinh thi tất cả 4 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn thứ 4 (trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, được bốc thăm lựa chọn vào tháng 3/2019).
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, để giảm áp lực cho các em học sinh, Sở đã đưa ra những định hướng về cách ôn, kỹ năng với đề thi, hình thức thi…
Về hình thức, môn Ngoại ngữ được triển khai theo hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm. Môn thi thứ 4 sẽ thi trắc nghiệm 100%. Hai môn còn lại là toán và văn sẽ thi tự luận.
Về thời gian, Sở dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6 để thuận tiện cho thí sinh khi vận dụng kiến thức vừa học xong vào làm bài.
“Việc tăng số môn từ 2 lên 4 môn sẽ không gây quá tải cho học sinh. Hơn nữa, tăng số môn khiến các em học đều, chú trọng học chương trình ngoại ngữ để đáp ứng xu thế hiện nay. Đề thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”, ông Phạm Quốc Toản nói.
Dự kiến trong tháng 10, Sở sẽ công bố đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 để giáo viên, học sinh tham khảo và sớm có định hướng trong dạy và học. Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội , dựa vào phương án tuyển sinh mới, các trường THCS sẽ không phải thay đổi lịch học, cách thức ôn tập… Tuy nhiên, các trường cần tăng cường thêm cho học sinh làm bài trắc nghiệm.
Để việc ôn tập đạt hiệu quả, theo lời khuyên của thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng THPT Marie Curie, Sở GD&ĐT Hà Nội cần sớm công bố đề thi minh họa sát với đề thi chính thức để học sinh có cơ sở ôn tập, giáo viên cũng theo đó có định hướng ôn tập cho học sinh dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, Sở có thể đưa ra thêm những hướng dẫn cụ thể với các môn, đặc biệt là với môn Ngoại ngữ để giáo viên, học sinh tiếp cận với phương thức thi mới hiệu quả nhất.
Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm nữa là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần có sự giám sát chặt chẽ tình trạng học thêm-dạy thêm, tránh tràn lan gây áp lực với học sinh và phụ huynh khi mà việc học thêm của các em vốn dĩ đã quá căng thẳng.