Trường THCS Hoàng Ngân đón Bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia

PV
17/12/2020 - 15:50
Trường THCS Hoàng Ngân đón Bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia

Trường THCS Hoàng Ngân vinh dự được UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia.

Với những thành tích đã đạt được, trường THCS Hoàng Ngân vinh dự được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia.

Ngày 17/12, trường THCS Hoàng Ngân, xã Điềm Mặc (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia.

Tiền thân của trường THCS Hoàng Ngân là trường PTCS Điềm Phú, được thành lập từ năm 1966. Sau nhiều lần chia tách, năm 1998, trường THCS Điềm Mặc chính thức được thành lập.

Năm 2007, trường đổi tên thành trường THCS Hoàng Ngân, mang tên nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Hoàng Ngân, Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam đầu tiên. 

Hiện nay, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư khang trang với tổng diện tích trên 7.400m², gồm 8 phòng học, 3 phòng bộ môn và đầy đủ phòng chức năng, khu vui chơi cho học sinh… đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh.

Nhà trường có 22 cán bộ giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy cho 265 học sinh. Trong những năm học gần đây, tỷ lệ học sinh giỏi luôn đạt trên 8%; học sinh khá trên 35%; không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu.

Với những thành tích đã đạt được, trường THCS Hoàng Ngân vinh dự được UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia.

Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân sinh năm 1921 tại Hải Phòng, là con gái của nhà tư sản dân tộc Phạm Trung Long. Bà sớm giác ngộ cách mạng và nhanh chóng trở thành một cán bộ xuất sắc, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi (1938). Tháng 1/1941, bà bị thực dân Pháp bắt và kết án 12 năm tù giam tại nhà tù Hỏa Lò. Tháng 3/1945, lợi dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp, bà cùng một số chị em thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Trở về, bà được làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, Thành ủy viên Đảng bộ thành phố Hà Nội… Trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa, bà đã tổ chức đội nữ du kích Minh Khai. Trong năm 1946- 1947, bà tích cực hoạt động trong phong trào phụ nữ và được cử làm Bí thư Trung ương lâm thời Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, rồi thành Bí thư Ban Phụ nữ cứu quốc Bắc Bộ.

Di tích Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Hội LHPNVN (1948-1950) tại xóm Thẩm Doọc 1, xã Điềm Mặc (Định Hóa, Thái Nguyên)

Năm 1948-1949, kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, Hội Liên hiệp phụ nữ phải đi nhiều nơi như Thái Nguyên, Bắc Kạn… nhưng bà vẫn không ngừng đẩy mạnh phong trào, sáng lập tờ báo Tiếng gọi phụ nữ (tiền thân báo Phụ nữ Việt Nam) với bài xã luận gây nhiều tiếng vang. Ngày 17/7/1949, sau một cơn sốt rét ác tính, bà qua đời tại Việt Bắc khi vừa 28 tuổi.

Sau khi bà mất, các tỉnh đội Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã lập các đội du kích Hoàng Ngân, một trường đào tạo cán bộ phụ nữ mang tên bà, các con phố mang tên Hoàng Ngân (ở Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội)…

Bà đã được phong tặng và truy tặng các danh hiệu: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh…

Phần mộ của bà được dời từ Thái Nguyên về nghĩa trang Mai Dịch bên cạnh chồng bà – nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ để được yên nghỉ mãi mãi bên nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm