Truy đến cùng những vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

28/05/2019 - 17:39
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, từ ngày 4 đến 6/6, phiên chất vấn sẽ diễn ra với 4 trưởng ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Cử tri cả nước kỳ vọng việc điều tra vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn đến cùng vấn đề với trưởng ngành Công an.

Trao đổi bên lề phiên họp chiều 28/5, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn ĐBQH Hà Nội, bày tỏ sự bất an trước tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều vụ việc xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em được phát hiện và bị người dân tố cáo với mật độ ngày càng dày đặc trên mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài xã hội cho đến nơi được coi là an toàn nhất với trẻ em như trong gia đình, trong lớp học, trẻ cũng có thể bị bạo hành, bị xâm hại tình dục. Theo đại biểu Quốc Khánh: "Không thể kìm được nỗi bức xúc khi đọc được những bản tin ông hay bố đẻ đánh đập con cái, thậm chí xâm hại tình dục con, cháu. Không thể không bức xúc khi cháu bé bị ông nguyên Phó viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng dâm ô trong thang máy; hay thầy giáo dạy nhạc dâm ô bé gái 5 tuổi; kỹ thuật viên chụp X-quang trong bệnh viện hiếp dâm trẻ em…".

Theo đại biểu Quốc Khánh, tâm lý lo sợ đang len lỏi đến từng gia đình. Rất nhiều cử tri phải thốt lên đầy lo lắng: “Tại sao xã hội ngày càng bất an đến như vậy?”. Bây giờ, không có một gia đình nào dám để con trẻ một mình ra khỏi nhà. Cả bé trai và bé gái đều có thể trở thành nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục, bạo lực có thể xay ra bất cứ đâu.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phổ biến, bà Quốc Khánh cho rằng: Các quy định, luật pháp về quyền trẻ em đã có; quy định xử phạt với những hành vi vi phạm, xâm hại trẻ em đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, vấn đề thực thi pháp luật còn chưa nghiêm minh; hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

 

nguyen-huu-linh-dam-o-tre-em.jpg
Camera ghi lại hình ảnh Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng,  có hành vi dâm ô trẻ em, gây phẫn nộ dư luận

 

Bà Quốc Khánh nêu ra ví dụ một số nước đã áp dụng hình phạt rất nghiêm khắc là “thiến hóa học” với đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. “Tại sao chúng ta lại không áp dụng các biện pháp mạnh này? Chỉ cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và xử nghiêm với các đối tượng phạm tội thì sẽ giảm rất nhiều tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”, bà Khánh đặt vấn đề.

Nữ đại biểu này cũng cho biết, một số vụ xâm hại, dâm ô trẻ em vừa qua không được thông tin rộng rãi kết quả điều tra, cũng như rất chậm trễ trong việc thực hiện điều tra, khởi tố; các cơ quan, ban ngành cũng chậm lên tiếng; khiến cho người dân càng trở nên bức xúc. Nghiêm trọng hơn là nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra là mất dần niềm tin của người dân.

Với tư cách là ĐBQH, bà Quốc Khánh bày tỏ sẽ truy vấn và theo đuổi đến cùng với các vụ án xâm hại, dâm ô trẻ em chưa được xét xử đúng người đúng tội, cơ quan chức năng phải có câu trả lời xác đáng về vấn đề này trước Quốc hội.

 

i-biu-trn-th-quc-khnh-on-bqh-thnh-ph-h-ni-copy.jpg
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn ĐBQH Hà Nội

 

Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn ĐBQH Bến Tre, cho rằng: Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em rất nghiêm trọng. Vấn đề này cần xem xét trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội, cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề xuất: Quốc hội phải có sự giám sát tối cao với vấn đề này. Bên cạnh đó, mỗi vị đại biểu Quốc hội cần phát huy, sử dụng quyền lực để giám sát chặt chẽ từng vụ việc xâm hại, bạo lực với trẻ em ở nơi mình cư trú, công tác, nơi ứng cử.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, từ ngày 4 đến ngày 6/6, phiên chất vấn tại kỳ họp này sẽ diễn ra với 4 trưởng ngành. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chính về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma tuý; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em....

Cử tri đặc biệt kỳ vọng các vấn đề liên quan tới điều tra vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn đến cùng vấn đề; cũng như đưa ra các biện pháp căn cơ để kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội xâm hại phụ nữ và trẻ em trong thời gian tới. 

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong 5 năm (2012 - 2016), tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 9.305 vụ với 10.656 bị cáo, trong đó, đưa ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm 8.674 vụ (chiếm 93,2%), với 9.873 bị cáo (chiếm 92,65%).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm