Truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu bằng... niềm tin

19/08/2018 - 17:26
Trong khi nhiều nước, bao gồm cả thị trường Trung Quốc, yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam thì ngược lại, trái cây nhập khẩu vào Việt Nam lại không thể truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng Việt lâu nay vẫn mua trái cây nhập khẩu bằng... niềm tin.
Trái cây nhập khẩu liên tục giảm giá, rẻ bất ngờ
Hiện nay, tại các siêu thị ở Hà Nội, rất nhiều trái cây nhập khẩu được bày bán với giá siêu rẻ. Cụ thể như, táo đỏ Mỹ chỉ có giá 29.900 đồng/kg, táo FuJi Nam Phi có giá 45.000 đồng/kg, giảm giá còn 29.900 đồng/kg.
 
Sản phẩm nho đen không hạt xuất xứ từ Úc có giá 180.000 đồng/kg nhưng thường xuyên được giảm giá còn 99.000 đồng/kg.
 
Chị Minh Tâm (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Con trai tôi rất thích ăn táo nên lần nào đi siêu thị tôi cũng chọn mua táo cho con. Trong siêu thị luôn có loại táo được giảm giá, tất nhiên, loại táo này thì không ngọt bằng táo nguyên giá. Tôi thường mua cả hai loại: Cả nguyên giá và giảm giá. Táo nguyên giá thì để ăn, táo giảm giá thì để ép lấy nước uống”.
 
tao.jpg
Táo FuJi Nam Phi được giảm giá trong siêu thị tại Hà Nội. Ảnh minh họa
 
Tuy nhiên, điều mà chị Minh Tâm băn khoăn: “Nhưng xuất xứ thì siêu thị cũng chỉ ghi tên nước nhập khẩu, ngoài ra không có thông tin gì thêm. Tâm lý người tiêu dùng cứ thấy sản phẩm giảm giá là thích mua. Thực sự, tôi muốn tìm hiểu chất lượng sản phẩm thì không biết mò ở đâu”.
 
Chị Hồng Hoa (ở Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, trong các siêu thị hay cửa hàng bán trái cây đều có ghi rõ nguồn gốc của trái cây như cam Mỹ, táo Úc, kiwi New Zealand, lê Hàn Quốc... Tuy nhiên, đó đều là thông tin mà người bán đưa ra, thực tế có đúng là hàng nhập khẩu từ các nước nói trên hay không thì không thể biết được. Nếu táo Trung Quốc rồi dán mác “Táo Mỹ” để bán cho người tiêu dùng thì chúng tôi cũng không biết làm sao để phân biệt nổi.
 
“Tôi chỉ mua ở các siêu thị và cửa hàng uy tín nhưng vẫn chủ yếu dựa vào niềm tin. Nếu có cách nào có thể truy xuất nguồn gốc trái cam hay trái táo mình mua từ nhà sản xuất nào, quốc gia nào thì yên tâm hơn nhiều”, chị Hoa nói.
 
Cần sớm truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu
 
Theo Tổng cục Hải quan, trong Quý I năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 345 triệu USD các loại rau quả, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, có thể thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưa chuộng hoa quả nhập khẩu.
 
Trong khi nhiều nước yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu từ Việt Nam nhưng ở chiều ngược lại, người tiêu dùng băn khoăn tại sao không áp dụng các quy định như vậy với trái cây ngoại nhập?
 
Trong số 10 thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam thì gần như nước nào cũng yêu cầu phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và yêu cầu cao về chất lượng. Những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... yêu cầu trái cây Việt Nam xuất khẩu sang nước họ phải theo những tiêu chuẩn rất khắt khe. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), để chuẩn bị cho một loại trái cây tươi xuất khẩu vào các nước trên thì Việt Nam phải mất từ 3 đến 5 năm.
 
Không chỉ ở các thị trường khó tính, từ ngày 1/4/2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập trái cây từ Việt Nam cũng phải cung cấp hình ảnh đóng gói có chứa dấu vết và thông tin chất lượng sản phẩm khi làm thủ tục xin giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây. Như vậy, một thị trường được coi là dễ tính như Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm.
 
mua-trai-cay-sach-o-tphcm-1.jpg
Ảnh minh họa
 
Trong khi đó, theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trái cây nhập khẩu, thì các yêu cầu với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dừng ở mức độ trái cây được đóng gói tại các cơ sở được cấp phép của nước xuất khẩu, phải được xử lý (chẳng hạn như bảo quản lạnh...) và được kiểm dịch. Những quy định chi tiết hơn về truy xuất nguồn gốc thì chưa có.
 
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc hoa quả là cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn.
 
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các khâu kỹ thuật trong kiểm soát về chất lượng rau quả, bao gồm từ khâu trồng, chăm sóc cho tới thu hoạch, bảo quản... vẫn chưa được hoàn thiện. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến vì sao Việt Nam chưa thể yêu cầu truy xuất được nguồn gốc hoa quả từ Trung Quốc cũng như các nước khác khi nhập vào nước ta.
 

“Việc truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bình thường trong thương mại ngày nay nhưng nó sẽ có tác động tích cực tới chất lượng sản phẩm và sự minh bạch của thị trường. Việt Nam cần sớm áp dụng các quy định này với rau quả nhập khẩu” - TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm