Truyền năng lượng sống tích cực đến những người mắc ung thư

An Khê
09/05/2021 - 12:03
Truyền năng lượng sống tích cực đến những người mắc ung thư

Trà Ly tham gia các hoạt động tập thể về phòng, chống ung thư

Từng hoang mang, tuyệt vọng, Nguyễn Trà Ly (SN 1986) đã vững bước đối mặt với căn bệnh ung thư và trở thành một "hướng đạo sinh", góp phần giúp cộng đồng những người bị ung thư vú vượt qua nỗi sợ hãi, ổn định cuộc sống, tinh thần.
Không cho phép mình mềm yếu

Năm 2016, vào một buổi tối, Trà Ly phát hiện mình bị ung thư vú khi đang nằm xem phim. Chị sờ lên ngực và bất ngờ phát hiện có một cục u rất cứng. Trà Ly đã chia sẻ với chị của mình và nhận được lời khuyên nên đi khám. Không mấy lo lắng, hôm sau chị đến khám tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội và được bác sĩ tư vấn. Sau khi có kết quả kiểm tra và sinh thiết, chị mới biết mình đã bị căn bệnh này "gọi tên".

Ngay sau đó, Trà Ly được chuyển đến Bệnh viện K để điều trị. "Tôi phát hiện ra mình bị ung thư vú ở giai đoạn không sớm nên được điều trị hóa chất để khu trú các khối u trước với liệu trình 8 đợt hóa chất, mỗi đợt cách nhau 21 ngày, sau đó là đến phẫu thuật loại bỏ toàn phần bầu ngực phải. Kết thúc quá trình điều trị tại bệnh viện với 25 đợt điều trị xạ", Trà Ly cho biết.

Nghe chị kể lại câu chuyện thì có vẻ đơn giản nhưng lúc đó, với một cô gái mới 30 tuổi, chưa lập gia đình như chị thì việc bị ung thư vú là một điều vô cùng đáng sợ. Chị không có một chút kiến thức cơ bản nào về ung thư vú, nên lúc đó, nghe đến ung thư chị liền nghĩ đến cái chết.

Sau đó, chị được bác sĩ tư vấn và phổ cập những thông tin cơ bản như ung thư vú là căn bệnh ung thư có tiên lượng tốt nhất hiện nay nên chị dần bình tĩnh lại và mạnh mẽ hơn để bước vào điều trị. "Lúc đó, nỗi sợ của tôi nhiều lắm. Tôi sợ mình sẽ chết sớm, rồi sợ mình chưa kịp báo đáp công lao sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ, bác và chị tôi. Rồi nỗi sợ mình sẽ trọc đầu trong cả quá trình điều trị, nỗi sợ bị cắt bỏ hoàn toàn một bên ngực tôi sẽ mặc đồ như thế nào khi ra đường đây? Liệu có ai còn yêu tôi nữa không? Rồi nỗi sợ tôi sẽ không thể sinh con được nữa, à không, mà là liệu tôi còn có cơ hội để sinh con không? Tôi còn trẻ, còn rất nhiều điều muốn làm, mà tôi sẽ không đủ thời gian để làm vì thần chết đã chọn tôi. Tôi đã rất tiêu cực nhưng lại không cho phép mình mềm yếu. Vì lúc đó tôi sợ, nếu mình yếu đuối, mọi người sẽ nhìn mình với ánh mắt thương hại. Tôi không biết mọi người có chung nỗi sợ với tôi không nhưng với tôi, nó quá khủng khiếp!", Trà Ly chia sẻ.

Truyền năng lượng sống tích cực đến những người mắc ung thư - Ảnh 1.

Trà Ly chia sẻ kiến thức cũng như tinh thần sống tích cực tới cộng đồng người mắc bệnh ung thư

Dù lo lắng, sợ hãi, chị vẫn chỉ có một con đường để chọn, đó là bước vào cuộc chiến với nỗi sợ hãi của chính mình. Những ngày hóa chất mệt mỏi, chỉ cần cắm kim truyền là chị đã bắt đầu nôn trớ. Sau lần vào thuốc đầu tiên, chị bị rụng tóc, rụng đến trọc đầu, rụng cả lông mi, lông mày, tay chân thì thâm đen do tác dụng phụ của hóa chất, đến nhìn vào gương chị còn không dám. Mỗi lần rụng tóc, một mảng da đầu lại hở ra, hay mỗi lần nôn trớ, đau đớn, đến bản thân còn không khóc nổi vì mệt, những người thân của chị quay lưng khóc thầm. Chính vì thế, chị dặn lòng phải kiên cường, mạnh mẽ hơn để người thân bớt buồn. "Trong cuộc chiến này, người bệnh mệt, người thân, người chăm sóc cũng mệt vì lúc đó, người bệnh hay cáu gắt, mệt mỏi. Nếu tôi không kiên cường, mẹ tôi sẽ sụp đổ mất", Trà Ly chia sẻ.

Công việc chính là "phao cứu sinh"

Từ lúc phát hiện bị bệnh, điều trị đến nay, Trà Ly không xin nghỉ việc mà vẫn tiếp tục làm việc. Bản thân chị cũng nhận thức được rằng, công việc chính là "phao cứu sinh" để chị thấy mình được sống, cần sống, bỏ qua những ánh mắt thương hại, sống như một người khỏe mạnh.

"Hiện nay tôi đang làm quản lý sản phẩm trong một công ty phân phối thiết bị y tế của Singapore. Công việc luôn yêu cầu tôi phải di chuyển, đi công tác ở thời điểm đó. Tôi muốn mọi người nhận thấy: Tôi bị ung thư và tôi vẫn làm việc. Tôi mong muốn được cộng đồng nhìn nhận tôi và những người bị ung thư bằng ánh mắt bình đẳng như một phần của xã hội", Trà Ly chia sẻ.

Từ trải nghiệm của mình, Trà Ly muốn làm gì đó cho cộng đồng những người bị ung thư vú để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Chính vì vậy, chị đã tham gia nhóm Dự án "Hỗ trợ ung thư vú trong cộng đồng" trực thuộc Mạng lưới câu lạc bộ "Phụ nữ kiên cường" để mang những kiến thức cơ bản nhất về ung thư vú đến với chị em phụ nữ.

Ngoài việc kết hợp với Hội LHPN các phường, xã, các tổ chức, công ty trên địa bàn thành phố Hà Nội để tuyên truyền về ung thư vú, Trà Ly còn lập một kênh youtube để chia sẻ năng lượng tươi vui của bản thân, khích lệ tinh thần của cộng đồng người mắc ung thư, đồng thời chia sẻ một số thông tin hữu ích.

"Sắp tới, tôi sẽ kết hợp với các bác sĩ Bệnh viện K để đưa ra nhiều thông tin về ung thư cũng như các hoạt động, bài tập cần thiết giúp cộng đồng người mắc ung thư có chất lượng cuộc sống tốt hơn", Trà Ly cho biết.

Hiện nay, sau điều trị hóa chất, phẫu thuật và xạ trị, sức khỏe của Trà Ly dần đi vào ổn định. Chị luôn sống tươi vui và làm việc như những người bình thường khác. Chị mong muốn bản thân luôn khỏe mạnh để truyền năng lượng tích cực của mình đến những người đang bị mất niềm tin vào cuộc sống. 

"Ung thư đáng sợ, ung thư có thể chết, đúng là vậy. Nhưng ung thư sẽ bớt đáng sợ hơn rất nhiều khi bạn phát hiện nó ở giai đoạn sớm. Việc trang bị cho mình những thông tin cơ bản như nguy cơ và biện pháp phòng ngừa ung thư là điều vô cùng cần thiết. Nếu ai đó phát hiện ra mình bị ung thư thì cũng nên bình tĩnh. Hãy tin tưởng vào bác sĩ và liệu trình điều trị của mình. Và còn một điều mà Trà Ly muốn chia sẻ, đó là: Sống dài hay sống ngắn không quan trọng, quan trọng là mình đã sống như một ánh hào quang hay chỉ là một vệt sáng le lói. Nếu bạn muốn viết một cuộc đời có ý nghĩa thì hãy cùng chúng tôi, những người phụ nữ kiên cường, viết nên một tình yêu cộng đồng", Trà Ly nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm