pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Con đường hoa
Ảnh minh họa
Sát giờ làm vẫn không thấy Ngân, anh lững thững vào xưởng mới. Anh biết hôm nay cô xin nghỉ vì việc riêng. Việc gì mà việc riêng nhỉ? Khác với những nhân viên khác, khi xin nghỉ hay kể lể hoàn cảnh lý do như để tranh thủ sự đồng tình của sếp mà cho nghỉ.
Người thì "em bị sốt, đêm qua người em nóng đun chín mấy ấm nước. Đấy là còn mất một mớ thời gian đi ói". Người thì "em đau bụng. Chiều qua em chạy lên huyện có ghé ăn tô phở...".
Nhiều lý do rất buồn cười, riêng cô thì ngắn gọn, khô khốc: "Việc riêng" và anh muốn biết việc riêng đó là việc gì thì chỉ còn cách là đi dò hỏi.
Thành như chỉ chờ anh hỏi để tràng giang đại hải: "Mai nhà có đám giỗ. À chính xác là hai đám gộp một, là bà ngoại và cậu của nó. Hai người họ mất cách nhau một ngày nên năm nào nhà cũng làm gộp vậy.
Mọi năm chỉ mời cô chú, anh chị em trong họ nhưng năm nay chị cả trong miền Nam về, mang theo chồng con. Khách mời có thêm bạn bè của chị nên khá đông. Ngày trước, bà chị này nổi đình nổi đám ở làng. Nhắc đến tên chị Nga, ai cũng biết. Đám trẻ con sau này ít gặp chị nhưng chuyện về chị thì nghe suốt".
Anh ăn xong phần ăn trưa rồi mà Thành còn kể chưa xong. Khi anh đậy nắp hộp cơm lại, Thành mới sực nhớ: "Mai ông có làm gì không, đi đám với tôi?". Anh vờ ngần ngại, Thành vô tâm: "Ông bận thì thôi. Cả tuần có ngày nghỉ, ở nhà nghỉ ngơi đi!".
Anh suýt cho thằng bạn phổi bò cú đấm: "Mai mấy giờ?". "Chín giờ đi, đến sớm cũng chẳng làm gì, ngồi uống nước trà chỉ tổ xót ruột. Ông đến thì alo tôi cái, sáng sớm mai tôi phải làm xe ôm chở các bà, các chị đi chợ mua sắm. Có một số món phải mua, phải chuẩn bị từ hôm nay, nên nó mới xin nghỉ đó. Chứ ông biết, con bé ham việc như nghiện, dễ gì mà bắt nó nghỉ được!".
Anh chạy xe về hướng làng của Ngân, con đường bê tông nhỏ một bên là dòng kênh nước lững lờ chảy. Tháng nào cũng thấy thanh niên trai gái kéo nhau ra dọn cỏ, vớt rác, trồng cây. Giờ hai bên bờ kênh là những cây hoa đủ màu, từ mai chiếu thủy, nguyệt quế, hoa bươm bướm, hoa mào gà và dưới đất là hoa mười giờ, hoa sam...
Buổi sáng, con đường đủ màu hoa, người ta đi qua đây còn phải dừng lại chụp hình. Anh gặp Ngân lần đầu cũng trên con đường này. Khi ấy, anh mới về, cuối tuần chỉ biết nằm ở nhà trọ đọc sách, xem phim cho hết ngày. Sáng đó đi ăn sáng, anh không muốn về nhà nằm dài nên quyết định đi ngược lại con đường dẫn về nhà trọ.
Khi ấy, cô đang đứng bên mé kênh vớt rác. Trên đường, các bạn cô đang nhổ cỏ. Ngày ấy, cỏ mọc nhiều, nhổ vài ngày lại xanh. Nghe nói mọi người nhổ cỏ mãi cũng chán nên quyết tâm đổi cỏ thành hoa nên con đường mới có tên là "con đường hoa" như bây giờ.
Có người nhận ra anh, hỏi sao cuối tuần anh không về thành phố thăm nhà. Anh còn chưa trả lời, các cô gái đã nhao nhao vui vẻ: "Hay anh muốn về làng làm rể thì em làm mối cho!". Cô leo từ dưới kênh lên, nhã nhặn nói: "Làm ơn tránh đường!".
Nhìn đôi chân trần lấm lem bùn của cô, lại nhìn đôi giày da mình đang đi, anh thấy có gì đó vừa đâm vào tim mình, hơi nhói một chút nhưng sau đó lại tê tê, ngứa ngứa khiến anh không dừng được ánh mắt cứ đuổi theo dáng cô. Sau này anh mới biết cô làm cùng công ty, còn là cháu gọi Thành bằng cậu họ.
Anh đến ngõ nhà cô, thấy trong nhà có tiếng cười nói vui vẻ. Hai người, một nam một nữ đi ra, cả hai đều có nét giống cô, người phụ nữ hẳn là mẹ, còn chàng trai là em trai cô. Nghe anh hỏi, người phụ nữ phì cười, ngoái lại gọi to: "Ngân ơi, có bạn tìm này!" rồi nhìn anh: "Cậu là thế nào với cô Ngân nhà tôi?".
Khi biết anh là đồng nghiệp, ánh mắt người phụ nữ nheo lại, cười cười: "Đồng nghiệp thôi à? Nhất định chỉ là đồng nghiệp thôi đúng không?". Anh ớ người, không biết trả lời sao. Ngân đi ra: "Chị lại bắt đầu rồi đấy, nhìn con trai chị đi, sắp làm bà nội tới nơi rồi!".
Anh ớ người, hóa ra đây là chị Nga, người chị cả của Ngân ở miền Nam mới về và chàng trai cao lớn kia là con trai chị, gọi Ngân bằng dì. Cậu ta ngoan ngoãn: "Con chào chú!", khiến Ngân cười phì: "Gọi anh thôi, anh Huy là đồng nghiệp của dì, chắc hơn con một hai tuổi!".
Anh lại ớ người lần nữa, hóa ra chàng trai là cháu nhưng lại hơn tuổi dì mình. Thành cũng chạy ra chỉ chỉ: "Ông đang diện kiến ba thế hệ nhà tôi đấy!".
Có tiếng gọi trong sân, Thành chạy vào rồi chạy ra nói phải lên huyện lấy mấy thứ mà Thành có việc phải đi, mẹ con chị Nga thì không thuộc đường. Thành nhìn anh: "Ông chở Ngân đi cái, nhanh thôi!". Ngân xua tay, Thành lườm: "Cô không đi thì ai đi, nhà bao việc!".
Ngân bụng xụng nhìn Thành rồi chạy vào nhà nghe mẹ dặn. Lúc quay ra, Ngân đội sẵn mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang, không quên đưa túi khẩu trang cho anh tự lấy: "Làm phiền anh quá".
Thành hừ: "Phiền gì mà phiền, cứ bảo sao nghe vậy đi, cháu chắt gì chỉ giỏi cãi!" và bị nhận cái đập từ chị Nga. Anh bật cười khi nhớ Thành là ông trẻ của cậu nhóc kia. Mối quan hệ họ hàng chồng chéo khiến ông trẻ chỉ hơn cháu có 3 tuổi.
Ngân cũng cười: "Ngày đi học thấy cũng phức tạp, giờ quen rồi. Khi nãy có mấy người nhầm thằng cháu là bạn trai em, mới 2 năm không gặp mà nó cao lớn ghê, còn đẹp trai nữa!".
Từ nhà Ngân lên huyện gần mười cây số, lúc về đi chậm hơn vì đường đê tối om. Ngân không ngừng áy náy nói đã làm phiền anh. Anh tập trung chạy xe, phiền gì mà phiền, có ai lại thấy buổi hẹn đầu tiên phiền đâu, nhưng anh không nói gì, sợ Ngân cảnh giác lại tránh anh.
Hôm nay nếu không có chị Nga và Thành, chắc Ngân cũng không chịu trèo lên sau xe đi cùng anh.
Xe dừng ở sân, chị Nga chạy ra đỡ cái giỏ nặng trĩu, Thành cũng ra, còn mang theo bát ăn dở. Cháu trai Ngân thò mặt ra nhìn đằng cửa sổ, Thành cười phớ lớ: "Vào ăn cơm luôn, sẵn bữa!". Chị Nga đáo để: "Cậu cũng là khách đấy!".
Thành nghênh mặt: "Ở đây cậu là bề trên, cậu bảo được là được!", làm mọi người bật cười. Thành nháy mắt: "Vào đi, tí nữa còn gói bánh, làm nem, còn nhiều việc để làm lắm!". Anh dựng xe theo Thành vào nhà, Thành nói ở quê khi có đám, thời gian chuẩn bị thường vui vẻ tấp nập hơn khi vào đám lên cỗ lên bàn.
Khi ấy, mọi người tập trung lại đông, mỗi người một tay một việc, vừa làm vừa chuyện trò, trêu ghẹo nhau.
Mối quan hệ ở quê khăng khít và đầm ấm hơn thành phố nhiều. Khi một nhà có việc, nhiều nhà khác xúm vào, không chỉ góp chân góp tay mà còn góp cả nồi niêu, bát đũa, dao thớt. Cả tối, anh và Thành được giao nhiệm vụ đi "khoắng bếp" nhà hàng xóm theo danh sách.
Nhà này mượn thớt, nhà kia hai chục bát, nhà nọ hai chục đũa, ba cái nồi to... Thành khênh cái nồi to như nồi hay nấu bánh chưng mà như đang dung dăng dung dẻ: "Muốn hiểu về làng và người ở làng cần đến khi nhà người ta có đám.
Ông thấy những việc tối nay bọn mình làm có tủn mủn và buồn cười không? Chắc chưa khi nào ông xông vào nhà người ta khoắng đồ thản nhiên như này đúng không? Nhưng thế mới là tình làng nghĩa xóm, thế mới là tình thân.
Nhà mình còn cây nến, hàng xóm tối đen thì cây nến sẽ được bẻ làm đôi, thậm chí làm ba làm bốn để mọi người cùng sáng. Ngân nó là người làng, thuộc về làng và mãi như vậy".
Anh hiểu Thành muốn nói gì. Cả tối nay anh đi khắp ngõ cùng Thành, và thấy vui, còn có chút mong chờ ngày mai. Ngân cũng tất tả tới lui nhưng không quên dúi cho Thành chai nước, cái bánh, thở dài nhìn cháu trai to kềnh đang ngủ dúi dụi vì say xe.
Cậu ta lúc trên xe không say mà khi xuống xe mới say. Thành gãi má: "Ông không biết chứ nhà tôi toàn đứa khác người!" và ăn ngay cái đá của Ngân: "Vâng, mình cậu giống người! Về đi, không là mai lại gọi nứt làng không dậy!".
Ngân theo anh ra xe: "Hôm nay làm phiền anh nhiều quá, chị cả bà ấy nghịch lắm, thật may là bà ấy chỉ có hai thằng con trai, chứ có con gái chắc nó nghịch rách trời!". Anh cười, cô chắc hiền, nhưng anh không nói ra.
Cô ngần ngừ: "Cậu Thành mời anh rồi đúng không, sáng mai chín giờ". Anh vội vàng: "Sáng mai năm giờ, còn đi lấy hoa quả, giò chả nữa, khi nãy chị Nga nói mà quên à?".
Anh nhìn cô như đang tìm cách từ chối. Anh đề máy xe, còn không quên nhắc lại: "Sáng mai năm giờ đấy!". Xe chạy trên con đường bờ kênh, dưới bầu trời đêm, đám nguyệt quế, mai chiếu thủy tỏa mùi thơm nhàn nhạt.
Sáng mai, anh sẽ đi ngược chiều trên con đường này đến cái hẹn năm giờ. Giá anh không phải về nhà, sáng mai có người gọi dậy thì tốt biết bao nhiêu.
Không sao, anh sẽ dậy đúng giờ, đường ngõ trong làng anh đã đi gần hết, một lần để biết, hai lần để quen, lần thứ ba trở đi sẽ là thân thiết. Tự dưng anh nghĩ đến ngày anh là người đi mời khách, chứ không còn là khách được mời.