pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Vết sẹo mờ

Tranh minh họa
Ở tuổi ngoài 40, tôi không nghĩ có ngày mình lại rơi vào tình cảnh trái ngang như này.
Tôi với Bảo sàn sàn tuổi nhau, đồng nghiệp hay đùa là hai bà "chua cống" vì tới tuổi này hai bà vẫn "mình ên". Sáng đi làm, tối về phòng, thi thoảng đi dạo chợ đêm, thong thả đọc mấy quyển sách, nghe mấy bài nhạc cũ, nồi cơm cắm một lần ăn cả ngày.
Cuộc sống của tôi chỉ có thế, thi thoảng gọi điện về nói chuyện với vợ chồng em trai và đám trẻ con, hỏi chúng nó học hành sao, biết làm việc gì đỡ cha mẹ. Bảo tính cách trẻ trung hơn tôi, thường theo đám trẻ đi uống nước, thích mua sắm.
Thi thoảng chúng tôi cũng nghĩ về tuổi già của mình. Bảo có người em trai có vợ mất sớm, đến nay vẫn một mình. Khi không làm gì nữa thì Bảo về quê với em trai, hai chị em nương tựa. Tôi thì chưa biết thế nào, quê còn đó, nhà cha mẹ còn đó.
Vợ chồng em trai tôi đang ở cái nhà của bố mẹ để lại. Hai đứa nó cũng không khá giả gì, tiền học của bọn trẻ đều do tôi gửi về, chúng nó vẫn nói mai kia sẽ nuôi bác Mai (là tôi).
Trọng là cậu của Nga, đồng nghiệp của chúng tôi. Anh có một đời vợ nhưng hai người chia tay khi con gái được 3 tuổi. Con bé theo mẹ. Mấy năm nay hai mẹ con ở nước ngoài nên anh thong thả, kinh tế cũng khá, có nhà ở thành phố.
Một lần anh ghé cơ quan đưa quà cho Nga. Con bé chưa về nên anh ở lại chờ. Đúng khi ấy trời mưa, anh vào phòng tôi ngồi nhờ. Anh hỏi về quyển sách tôi đang đọc, khen Bảo khéo tay, thời buổi quần áo may sẵn bán đầy thì Bảo vẫn chịu khó thêu thùa.
Lần đó, anh đến đúng lúc Nga định đi chợ đêm. Anh nói muốn đi một lần xem chợ có gì, Bảo cũng đi nên Nga kéo tôi đi luôn.
Mới qua ngày lĩnh lương nên hôm ấy chợ khá đông người, chợ đa phần là bán quần áo, giày dép, túi xách. Tôi không định mua gì nên cứ chỗ nào thoáng tôi đi, nhìn thiên hạ mua cũng thấy thích, nhất là mấy cậu trai rao hàng lảnh lót vần vè như hát.
Mải nghe nên khi định thần nhìn quanh, xung quanh chẳng còn ai quen, đi dạo thêm một lúc nữa, nhìn đồng hồ đã thấy muộn, gọi Nga không nghe máy nên tôi nhắn cho con bé nói mình về trước.
Đi khỏi chợ, tôi thấy Trọng đang đứng chờ. Anh nói Bảo và Nga đi nhanh quá nên anh bị tụt lại sau. Nhìn quanh cũng không thấy tôi nên anh ra đây đợi. Tôi nói anh đợi tiếp, còn mình về trước. Anh nói cùng về vì để tôi đi một mình, anh không yên tâm.
Sau lần đi chợ đêm, Trọng thường xuyên xuống khu ký túc chơi hơn. Mỗi lần xuống là anh lại ghé phòng tôi, mua cho tôi sách, trái cây, nước uống. Rồi bất ngờ anh nói thích tôi.
Từ ngày chia tay vợ, anh chưa từng có ai làm bạn. Anh luôn nghĩ mình sẽ ở vậy đến già, nhưng khi gặp tôi anh lại nghĩ khác. Anh muốn có người để nói chuyện, cùng đọc và nói chuyện về một cuốn sách, cùng nghe một bài nhạc xưa, kể cho nhau nghe về tuổi trẻ đi xem chiếu bóng mà không có tiền phải trèo qua đống rơm, bơi qua ao…
Tôi cũng có những ngày tuổi trẻ như thế. Ngày cha mẹ tôi mất, ông bà còn phiền lòng vì thấy tôi chưa có nơi chốn yên thân. Em trai sau khi giục giã không ăn thua thì nói tôi lấy chồng cũng được, không cũng được, mà xin được đứa con hủ hỉ cũng tốt, không thì về đây có đám cháu lo.
Chúng tôi nói chuyện khá hợp, có nhiều cái chung. Anh có nhiều chuyện kể rất thu hút nhưng để nghĩ xa hơn thì tôi chưa nghĩ. Anh nói bất ngờ quá, tôi chưa kịp chuẩn bị. Anh nói anh nghiêm túc và đợi được, tôi muốn nghĩ bao lâu thì nghĩ. Ngoài 50 rồi, giờ chỉ muốn sống khỏe sống vui, anh không muốn tôi thấy áp lực, tôi từ chối anh cũng chấp nhận.
Tôi còn chưa kịp trả lời anh thì Nga tìm đến. Nga nói định giới thiệu cậu với Bảo. Trước hôm đi chợ đêm, Trọng có gặp Bảo mấy lần nhưng không gặp tôi. Trọng nói với Nga rằng anh mến Bảo, cần tìm hiểu thêm để tiến xa hơn. Bảo cũng thích anh, lần đi chợ đêm đó là Nga thiết kế cho cậu mình và Bảo, sợ Bảo ngại nên Nga mới kéo tôi đi cùng.
- Nghe cậu nói, người cậu thích là cô, con bất ngờ quá!
Nga chống cằm, con bé nói ai thành mợ nó, nó đều vui như nhau. Mấy chục năm nay, Trọng thui thủi một mình. Gia đình thúc giục, vợ cũ của Trọng ở nước ngoài đã có gia đình mới. Dượng rất quý con gái riêng của vợ, con bé lần nào điện về cho bố cũng nói bố thương ai thì thương cho tuổi già có bạn. Nhưng Trọng cứ ở vậy đến giờ.
Tôi ngại với Nga, ngại cả với Bảo. Tôi nói Trọng đừng xuống nữa, tôi với anh mới có chút cảm tình nhưng nếu để câu chuyện thành rối nùi thì không đáng. Trọng động viên tôi đừng nghĩ nhiều, có chuyện gì để anh thu xếp vì đây là lỗi của anh. Tôi không đồng ý, nói Trọng mà xuống thì tôi sẽ tránh mặt. Chuyện với anh, tôi chưa kịp nghĩ đã không cần nghĩ.
Hôm qua, Bảo không bóng gió như mấy ngày trước mà nói thẳng tôi là người tranh cướp của người khác. Rõ ràng Bảo và Trọng có tình cảm với nhau trước, tôi xen vào nên Trọng mới hướng sang tôi.
Bảo nói, nếu Nga không nói thì Bảo cũng không thèm để ý Trọng, đàn ông bị vợ bỏ, con xa lánh, hẳn cũng không tốt đẹp gì. Hẳn anh ta tìm "osin" miễn phí cho tuổi già thôi chứ tuổi này còn yêu đương gì. Còn tôi chắc nhìn trúng căn nhà trên thành phố của anh nên mới bất chấp.
Tôi không biết giải thích sao cho Bảo hiểu. Lời Bảo càng lúc càng gay gắt, suy diễn, độc địa và quá đáng. Chúng tôi làm cùng nhau mười mấy năm, dù tính nết không phải hợp nhưng cũng gọi là hiểu nhau.
Tôi hiểu Bảo khó chịu, là tôi nếu bị gạt ra tôi cũng mất mặt, chạnh lòng, tủi thân, song không phải vì thế mà Bảo có quyền mạt sát tôi bằng những ngôn từ đầy xúc phạm. Bảo không cho tôi nói gì đã vội quy kết tôi tranh đoạt. Lời Bảo khiến tôi khó chịu, Nga khó xử. Cùng dãy ký túc mà ra vào nhìn nhau coi như không thấy.
Biết người Trọng vừa ý ban đầu là Bảo chứ không phải tôi, tôi cũng không thoải mái, cứ có cảm giác mình là "cái sạc dự phòng". Anh mới nói vừa ý Bảo đó đã quay sang thích tôi, cái thích của anh hời hợt, nhẹ nhàng quá, với anh thì ai cũng được, ai cũng như nhau.
Tôi với Bảo đã không thể ngồi xuống nói chuyện nên tôi nói với Nga rằng tôi với Trọng sẽ không là gì hết. Nga cũng không ngờ chuyện lại tréo ngoe thế, hỏi tôi có thể tha thứ cho Trọng không, tôi lắc đầu.
Chuyện của chúng tôi làm cả công ty xì xào, người bênh người ghét, ngay cả khi tôi nói mình từ chối Trọng thì Bảo vẫn không nói không nhìn, đi làm về là đóng cửa ở lì trong phòng. Nga báo tin cậu ốm, tôi không gửi lời hỏi thăm.
Nga nói cậu buồn quá nên về quê ở một thời gian, tôi chỉ ừ cho phải phép. Nga nói Trọng gầy đi trông thấy, anh ái ngại vì đẩy tôi vào chuyện lùm xùm không đáng có. Anh muốn xuống xin lỗi nhưng lại sợ mọi chuyện càng rối hơn.
Tôi dính cơn mưa chiều bị cảm, nằm ở nhà thấy trời đổ mưa mà quần áo mọi người còn phơi ngoài sân nên ráng chạy ra rút, lại dính thêm mấy hạt mưa nữa, đêm sốt cao phải đi viện.
Em trai nghe tin hỏi có cần em vào không, tôi nói không cần, đường sá xa xôi, đi lại tốn kém, tôi bị cảm vài ngày sẽ khỏi. Là nói thế cho em trai yên tâm chứ giờ sức khỏe tôi đâu còn như xưa, ngày trước làm cả ngày dài, tối còn đi làm thêm mà vẫn băng băng.
Đồng nghiệp ở lại với tôi một đêm, sáng mua cho tôi hộp cháo rồi vội về đi làm. Nghỉ một ngày là mất một ngày lương, còn mất thêm một nửa tiền chuyên cần, tiếc lắm. Tôi ở đây đã có bác sỹ, có người nhà của bệnh nhân giường bên, không phải lo.
Ăn nửa hộp cháo, uống liều thuốc xong, tôi ngủ li bì không mở mắt nổi. Lúc tỉnh lại, tôi bất ngờ thấy Bảo đang ngồi ở cuối giường. Thấy tôi dậy, Bảo lăng xăng rót nước, giặt khăn. Sau chuyện vừa rồi, hẳn Bảo còn giận không nhìn mặt tôi mới đúng chứ?
Không biết lý do Bảo vào viện với tôi là gì, nhưng cảm động thì có. Nhìn mặt Bảo, tôi nghĩ hẳn Bảo không còn giận nữa. Chuyện đó vẫn ở đó. Nó như một vết sẹo mờ không gây ảnh hưởng hay đau đớn nữa, giống một viên sỏi nhỏ ném xuống mặt nước phẳng lặng của chúng tôi, gợn lên mấy vòng lăn tăn rồi mất hút.
Trọng không đến nữa, chúng tôi không nhắc và dần quên anh. Nhìn Bảo, tôi có cảm giác chúng tôi quay lại những ngày trước, làm hai bà "chua cống" lớn tuổi của khu ký túc. Thi thoảng lại được phụ huynh của đồng nghiệp trẻ nhờ để ý con họ. Tôi buột miệng:
- Để tôi gửi lương chiều nay cho bà.
- Ai cần mấy đồng lương đó mà trả. Uống miếng nước cam cho mau khỏi. Tuổi này ốm mà không có người nhà bên cạnh, tủi thân lắm.