pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Yêu thương lặng lẽ
"Con có thể gặp chú một lát không?".
Nghe giọng của chú Đức ngập ngừng, có vẻ lo lắng, Mai không biết chú muốn gặp mình làm gì, mình với chú Đức có chuyện gì để nói đâu? Mà không đúng, chú đang ở thành phố hay sao, chú vào làm gì, vào khi nào, hay là con bé Thùy lại trở bệnh, sao chú lại biết số điện thoại của Mai?
Trong phút chốc, bao nhiêu câu hỏi ập đến với Mai làm cô có chút quýnh quáng. Hít một hơi dài, cô lại tự cười giễu mình. Có khi nào lại là lời đề nghị vay mượn, giúp đỡ? Bên kia, chú Đức nói xong thì im lặng, hẳn cũng thấy hơi đường đột. Cô tính từ chối, không hiểu sao lại nén tiếng thở dài, nói chú đang ở đâu?
Mai quyết định đi Grab đến quán cà phê, nơi chú Đức nhắn địa chỉ, nơi đó không quá xa chỗ cô, cô cũng không phải không biết đường đến đó mà cô không muốn cho chú biết mình có gì. Với cô, chú Đức là người lạ, đề phòng trước người lạ thì có gì sai?
Chú Đức đang ngồi ở góc quán, dưới chân là mấy cái túi nhỏ. Chú đang nói chuyện với một người đàn ông. Thấy Mai, người đàn ông đứng dậy nhường chỗ. Chú Đức nói người đó là chủ quán, đồng hương nên hỏi thăm nhau mấy câu. Chú hỏi Mai uống gì, hỏi "con đến bằng gì, có mệt không?". Chú tỏ ra áy náy vì sau giờ làm, đáng lẽ cô được về nhà nghỉ ngơi thì phải chạy đến đây. Chú chỉ mấy cái túi:
"Nhưng chú phải đưa con mấy món này, toàn món quê mình, không biết trong này có bán không, nhưng vị quê mình vẫn chuẩn nhất".
Mai nghe nghẹn nghẹn khi chú lấy ra bịch rau nhỏ, nói đây là hẹ sẻ chú trồng trong vườn nhà, đây là củ nén mới thu hoạch, đã được cắt gốc, phơi rửa sạch sẽ, đây là hành tỏi vườn nhà đã lột sạch vỏ, "nếu con bận thì mang xay hết lên rồi bỏ hộp cất ngăn đá, khi nào ăn, lấy ra là được". Rồi còn bánh trái không phải vườn nhà thì vườn hàng xóm, không phải "mẹ con" làm thì là mua của người quen để "con ăn cho đỡ nhớ quê".
Mai không biết mình có nhớ quê không. Cha mẹ cô cùng quê nhưng đi công nhân từ ngày học xong phổ thông, cô sinh ra và lớn lên ở thành phố. Năm 12 tuổi, khi cha mất, cô về quê ở với nội. Chỉ có mình cô về, mẹ vẫn ở lại thành phố. 4 năm sau mẹ về xin phép nội cho "đi bước nữa". Nội thương Mai. Dù là mẹ chồng nhưng chưa khi nào cô nghe nội nói xấu mẹ dù một câu. Có người thương hại cô phải về quê, nội bênh ngay, nói "con bé đang tuổi ăn, tuổi lớn, mẹ nó ca kíp suốt, làm sao đưa đón nó học hành". Thi thoảng nội lại đi khoe "mẹ nó gửi tiền về". Ngay cô cũng tin là mẹ gửi tiền về thật nếu không vô tình thấy chú Hưng, là bạn ngày bé của cha, ghé qua nhà. Cô thấy nội dấm dúi đưa tiền cho chú, chú nhận với vẻ dàu dàu kém vui. Hóa ra hàng tháng, chú Hưng là người có nhiệm vụ gửi tiền cho nội để hàng xóm nghĩ con dâu nội vẫn hiếu thảo với mẹ chồng và chăm lo cho con gái. Cô biết chuyện cũng không nói gì, nghĩ mình làm vướng chân vướng tay nên mẹ mang cô về trả cho nội để rảnh rang, bằng chứng là cha mất 4 năm mẹ đã có người khác.
Ngày mẹ cưới, Mai theo bạn học lên huyện chơi. Hôm đó đúng phiên chợ huyện, nội như hiểu cô, còn cho tiền nói thích mua gì thì mua.
![Truyện ngắn: Yêu thương lặng lẽ- Ảnh 1. Truyện ngắn: Yêu thương lặng lẽ- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/7/edit-truyen-ngan-tif-1738928467092291627495.jpeg)
Mai cảm giác mình hiểu tất cả, lại không hiểu gì. Cô nghĩ mẹ hết thương cha, có thể vì tính cha khô khan, ít nói, lại kiếm được ít tiền, những khi chán chường, cha tự giận mình rồi cấm cảu cáu gắt cả với vợ con, nhưng nếu không thương sao mẹ lại bán nhà chạy chữa cho cha?
Cô từng nghĩ mình là gánh nặng của mẹ khi nội mang cô về nhà, mẹ gần như bỏ mặc. Sau cô lại nghĩ, một người phụ nữ với món nợ khổng lồ chồng cũ để lại, không nhà cửa phải sống sao giữa thành phố đông đúc với một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, tuổi nhìn cuộc sống với ánh mắt tò mò háo hức? Mai cứ tự mâu thuẫn thế, cô không giận mẹ nhưng từ khi mẹ có gia đình mới, cô không gặp mẹ lần nào. Cô chọn trường đại học trong Nam để đi thật xa. Cô vẫn điện thoại về cho nội, nội nói gửi tiền cho cô ăn học nhưng cô từ chối, nói con tự lo được. Và Mai tự lo thật, từ tiền học đến tiền ăn, cô làm đủ việc từ gia sư đến phụ quán ăn, mua hàng giùm bạn. Bất cứ việc gì, cô cũng làm, miễn sạch sẽ. Ơn trời, từ ngày xa quê, cô chưa từng phải dùng viên thuốc nào, cũng có khi đau đầu nhức mình, cô chỉ dùng chai dầu gió là khỏi.
Một mình, cô tự mình học, tự mua cái điện thoại đầu tiên, cái xe máy đầu tiên, còn đang nghĩ đến ngôi nhà đầu tiên nữa. Cô ra trường được 4 năm, đã sống được ở thành phố phương Nam hào sảng đầy nắng gió. Mẹ vẫn gửi lời qua nội nhưng cô từ chối, nói mình đang rất ổn và sống tốt. Ngừng một chút, cô nói thêm, cô mong mẹ và mọi người cũng thế. Cô từ chối thật vì cô đã có thu nhập, còn là thu nhập không tồi khi làm 3 công việc một lúc. Cô không biết mẹ có hỏi về cô không, nhưng nội luôn nói cho cô nghe về mẹ, câu cuối cùng bao giờ cũng là "Mẹ con có nỗi khổ riêng, con đừng giận mẹ mà tội nghiệp!".
Mai không giận mẹ, thật ra là không có thời gian nghĩ ngợi để giận hờn. Một ngày, cô chỉ có 3 đến 4 tiếng đồng hồ để ngủ. Bạn cô nói cô còn cực hơn sinh viên y khoa. Nội nói chú Đức có một cô con gái nhỏ, chú đưa con bé về thăm nội hoài, con bé xinh xắn nhưng không được may mắn khi một chân có khiếm khuyết và còn bị bệnh. Nhưng chú Đức thương mẹ thật lòng, mỗi khi chú về, chú lại giúp nội sửa nhà, vét ao, dọn vườn, tỉa cây, không nề hà gì. Chú còn giúp mẹ trả hết nợ tiền thuốc men của cha ngày trước. Có lần vội đi làm, cô cáu với nội: "Nội nói mấy chuyện này với con làm gì?".
Nội nhỏ nhẹ:
"Nội chỉ thấy biết ơn chú ấy, chú ấy đã cho con dâu của nội mái nhà và tổ ấm, thứ mà con trai nội thiếu nợ".
Cô đã lặng người, không biết phải nói gì. Nội giục "con đi làm kẻo muộn". Những lần sau, nội ít kể chuyện về mẹ hơn, là ít hơn thôi nhưng cô cũng biết chuyện của mẹ. Như chuyện Thùy, cô con gái của chú Đức, rất bám mẹ, rằng mẹ từng có ý định sinh thêm con nhưng chú Đức nói hai con là đủ rồi, là chúng có chị có em rồi. Không hiểu sao khi nghe nội nói, cô đã tin. Cô tin chú Đức là người tử tế, chú với nội chẳng chút liên quan gì nhưng chú đối với nội như mẹ, chú cùng mẹ đã thay cô chăm sóc, yêu thương nội mấy năm nay.
Nhưng người hiền vẫn không gặp lành, Thùy, con gái chú, năm ngoái trở bệnh. Nội nói con bé rõ xinh, rõ ngoan mà sao trời không thương. Nghe nội vừa nói vừa khóc, cô cũng thấy thắt ruột dù chưa một lần gặp cô bé. Cô gửi tiền về cho nội, nói nội gửi cho mẹ nhưng đừng nói của cô. Nội thở dài:
"Nếu được, con về nhà một lần, mọi người ai cũng yêu thương con".
Cô hứa, nhưng vẫn không thể thực hiện. Bé Thùy bệnh chưa khỏi thì mẹ cũng bệnh, một mình chú cáng đáng sao nổi. Cô muốn giúp sức với chú. Cô cũng không nói ai, từng lén về bệnh viện, cô thấy cô bé xinh xắn yếu ớt, thấy mẹ xanh xao nhưng nụ cười rất tươi, thấy chú Đức, chồng mới của mẹ, người đàn ông khắc khổ già nua nhưng có ánh nhìn hiền từ. Đó mới là một gia đình, một gia đình hạnh phúc, cô thấy ghen tị nhưng cũng thấy ấm áp. Mẹ xứng đáng có hạnh phúc sau khi gia đình cũ tan vỡ, cô bé xinh đẹp kia có mẹ, thay cho người mẹ em chưa từng gặp, người vất vả nhất là chú Đức nên ông mới già nua, khắc khổ thế.
Cô chỉ có niềm vui duy nhất là nội còn khỏe mạnh, minh mẫn, nội chưa một lần trách cô, nội nói cô cũng không dễ dàng gì, nội chỉ cần cô mạnh khỏe, sống vui vẻ là được. Nội chỉ mong ơn trên cho nội sống đến khi nhìn thấy cháu rể, mà được nhìn thấy chắt càng tốt. Cô cười nói "nội phải khỏe để chờ cháu dắt người yêu về chứ".
***
Mai nhìn những đùm nắm chú Đức bày đầy bàn. Ông chủ quán không có chỗ đặt ly nước nhưng không hề phật ý, còn xuýt xoa cầm ngửi những món rau quê quen thuộc.
"Chú mang cho con những thứ này làm gì, con không biết nấu ăn, cũng không nấu ăn ở nhà".
Mai không hiểu sao mình không thể lạnh nhạt với chú. Về lý thuyết thì cô chưa gặp chú lần nào, sao lại cảm thấy quen. Đột nhiên, cô nhớ hình ảnh chú đưa chén cháo cho bé Thùy trong phòng bệnh, lại ước mình được bệnh một lần để mẹ lo lắng mua cháo, để chú chạy vội đi mua thuốc, còn bé Thùy sẽ cười động viên "Thuốc không đắng đâu, em uống hoài, em biết!".
"Không sao, sẽ có người nấu cho con ăn".
Mai không nghĩ là nội lại vào tận miền Nam, còn có mẹ và bé Thùy. Thật ra, bé Thùy cần vào thành phố kiểm tra sức khỏe, thế là cả nhà cùng nhau đi, nhân tiện thăm cô. Để tiết kiệm, chú ngồi xe khách còn nội và mẹ với bé Thùy đi máy bay.
Cô nói nhỏ với nội, chuyến về con sẽ tặng vé máy bay cho 4 người. Nội giãy nảy:
"Thôi, thành phố thứ gì cũng đắt, con kiếm được đồng tiền nào dễ dàng gì, bé Thùy cũng khoẻ rồi, cả nhà sẽ đi tàu, nhân tiện ngắm cảnh".
Mai cứ nghĩ mình sẽ lúng túng lắm khi tham gia vào gia đình chú nhưng cô lại không hề cảm thấy, dù vẫn còn chút xa lạ với chú, xa cách với mẹ. Chỉ có bé Thùy là không biết lạ, một câu "chị ơi" hai câu "chị ơi", rồi hồn nhiên khoe: "Trong bệnh viện huyện mình có bác sĩ là bạn chị đấy. Anh nói ngày trước chị học giỏi lắm, làm ruộng cũng giỏi, thảo nào mà bố mẹ cứ nói em học theo chị…".
Đêm, nội nằm bên cô, không ngừng vuốt tóc, nắm tay, xoa những vết chai sần trong tay cô, mắng yêu:
"Con bé này, gan hơn cóc, nếu nội không vào chắc mày không chịu về thăm nội đâu nhỉ. Con đừng như vậy, thương yêu cứ phải nói ra, đừng cứ âm thầm một mình, con còn cả gia đình bên cạnh kia mà".