Truyện ngắn: Những bước chân vui

Thái Phan
27/01/2025 - 17:32
Truyện ngắn: Những bước chân vui
Còn một tháng nữa đến Tết, ai cũng nhắc đến nó như cột mốc phải tới, và tới với thành công.

Anh nói từ nay đến Tết giờ giấc anh lộn xộn lắm, cả năm thả gà còn mấy ngày nay để đuổi. Tết to hay nhỏ phụ thuộc vào kết quả bắt gà lần này. Em để ý con cái, tầm này trẻ con thường xao nhãng.

Chị dạ cho anh yên tâm, công việc của anh thường đi sớm về khuya, vắng nhà cả tuần nửa tháng là chuyện thường, chị quen một mình ở nhà, một mình chăm con. Khi con ốm cũng một mình đưa con vào bệnh viện không dám phiền bố mẹ chồng. Ông bà hơi khó tính nên từ ngày làm dâu chị vẫn luôn e dè giữ ý.

Năm nào cũng vậy những ngày này chị phải đến ông bà nội bọn trẻ, xem ông bà muốn sửa sang chuẩn bị gì. Cũng chỉ là mấy việc như dọn dẹp nhà cửa, lên kế hoạch mua sắm biếu tặng. Bố chồng không gia đình anh em, mẹ chồng là em út, trên có một anh một chị. Ban đầu, mẹ lấy bố, ai cũng cản, bố một thân một mình thế. Ai nghĩ sau này bố mẹ chồng lại khá nhất trong nhà. Cũng thành cái lệ từ lâu, năm nào bố mẹ cũng tặng quà cho các bác. Bố không còn người thân, mọi quan tâm dồn hết cho bên ngoại. Chị nghe chuyện, thấy nể phục mẹ chồng, phụ nữ lấy chồng, còn mong gì hơn thế?

Hàng năm, tối mùng Hai vợ chồng chị mới ra sân bay, trưa mùng Ba về đến nhà ngoại. Chồng chị là con một, chị còn hạnh phúc hơn nhiều người. Đồng nghiệp chị lấy chồng 9 năm chưa khi nào được ăn Tết nhà ngoại do nhà xa, do thời tiết lạnh, do con còn nhỏ... năm nào vợ chồng cũng lục đục nhưng không thay đổi được gì. Con gái lấy chồng không biết mấy người được hạnh phúc nhưng mất thì nhiều, từ bạn bè, tự do, đến bố mẹ anh em cũng thành xa cách...

Mẹ chồng nói năm nay đặt mua hết, không bày vẽ tốn thời gian, nếu được thì mẹ Nhím muối lấy mấy hũ dưa. Bố chồng nói người ta thích nghỉ Tết, chơi Tết hơn, có thiếu thốn gì nữa đâu, bày nhiều mệt nhiều. Hai vợ chồng lo việc đi, thời gian này để bố mẹ chăm bọn trẻ con cho.

Những bước chân vui- Ảnh 1.

- Mệt nhưng đáng, Tết là gắn kết, là sum họp, là nhớ về. Xã hội ngày càng phát triển, tình thân ngày càng co lại, nếu không có Tết, lấy lý do gì để gặp nhau?

Chị biết mẹ chồng đang động viên mình, bà lúi húi trong ngăn kéo, "con cầm tiền đi chợ". Chị ngần ngừ rồi vẫn cầm. Tết đến nơi mà trong nhà vẫn chưa thấy tiền đâu, hôm qua chồng chị còn lắc đầu nói ai cũng khó, không biết có trả cho mình được đồng nào không, có khi năm nay nhà mình không về ngoại được.

Chị trốn vào phòng âm thầm khóc, vé về đã đặt từ 2 tháng trước, chị đã nôn nao, còn mua áo váy cho 2 đứa trẻ, đổi tiền mới về mừng tuổi. Nay chỉ một câu nói của chồng khiến chị như con cá bị vứt lên cạn.

Mẹ chị nhận điện thoại, sau phút im lặng bà lại động viên ngược:

- Thôi để dịp khác con ạ, năm nay khó khăn thật đấy, đám con cô Sáu, chú Thảo xóm mình cũng không về.

Chị biết bố mẹ buồn, cả năm xa con, trông mấy ngày Tết được thấy con cháu, khoe với hàng xóm con bé nhà tôi về đấy, hàng xóm sẽ trầm trồ nói con gái lấy chồng xa mà năm nào cũng được về nhà mẹ, rồi so sánh con chị vậy là có phước, nhà chồng con một mà cũng biết ý, chứ con gái nhà đó nhà nọ, 2-3 năm mới được về một lần.

Năm nay, hẳn mẹ sẽ gói bánh chưng ít lại, món gì cũng giảm vì bày ra có ai ăn. Nhà chị dâu sẽ vắng hơn, chị dâu không có "quà" mang về nhà ngoại. Nhớ năm nào chị dâu cười híp mắt:

- Bố mẹ xem có ai đi lấy chồng mà được mang cả nhà chồng về ăn Tết như con không? Bố mẹ có quà Tết to thế còn gì!

Hai ông bà thông gia nhìn nhau cười xòa, ngày Tết ngày nhất, con cháu vui là ông bà vui. Từ ngày làm dâu, chị dâu lo chu toàn trong ngoài trên dưới. Ai cũng khen chị ngoan khéo, chị cười:

- Bố mẹ chồng dễ chịu, chồng chịu khó, em chồng ngoan, con đanh đá với ai?

Chị dâu không biết ngày chị chưa về, mẹ cũng xăm soi tính toán, nhưng nghĩ mai kia con gái mình cũng phải làm dâu, mẹ buông bỏ hết thành kiến, coi chị như con gái.

***

Chị thấy mình bị xuống tinh thần ngay cả khi anh mua hoa tặng chị nhân ngày sinh nhật. Đám trẻ ở luôn bên nội, anh chị ngồi cạnh nhau ngoài ban công, nghĩ mình có đòi hỏi gì quá đáng đâu, có tiêu xài hoang phí đâu, có lười nhác gì đâu, chỉ mong cuộc sống bình yên sao mãi chật vật. Không biết do trời đất hay do tâm tình mà những ngày này chị hay nhớ bố mẹ, cứ thấy tủi thân.

Chồng chị vẫn đi sớm về muộn, quầng mắt thấy rõ, khi sáng nói chỗ này chịu cứng, họ cũng chưa đòi được nợ, chỗ kia hẹn sát Tết. Mai anh em quê xa đã về quê rồi, anh chỉ ứng cho họ được ít đồng, nhìn anh em ôm túi lép về mà áy náy quá, người ta cũng có gia đình, đã vất vả với mình cả năm. Đành rằng anh em đều hiểu nhưng mình đâu thể cứ bám vào sự thông cảm của người ta.

Rồi anh lại động viên chị, khó khăn là tình hình chung, mình còn hơn nhiều người lắm, trời không phụ người mãi đâu. Chị gật đầu cho anh yên tâm, cầm bộ nữ trang là quà mẹ tặng hồi đám cưới đi bán, bộ nữ trang vàng ta, để mãi trong tủ, lâu lâu mang ra nhìn nên còn mới tinh. Lúc ra khỏi tiệm vàng, chị thấy như hụt hơi, lại nghe văng vẳng nhà ai mở nhạc "Mẹ ơi con xuân này vắng nhà"... Mấy người đàn ông mặt sạm đen, tóc xơ cứng, chắc trong ba lô chỉ có mấy bộ quần áo, nhìn họ vui mừng nhận những tờ tiền mới, chị không thấy tiếc nữa. "Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây".

***

Chiều 23, bố mẹ chở nhau đi một vòng tặng quà cho họ hàng, suốt buổi tối chị thấy mẹ chồng cứ thần người.

Bố chồng nói khi chiều ghé nhà bác Hai, con trai bác nói bác gái ra miền Trung bế con cho vợ chồng anh út từ tháng trước, bác trai mới ra, ăn Tết luôn ngoài đó. Anh út sinh con thứ 3 mà lần đầu tiên hai bác ra chăm cháu nội, trước đó toàn do nhà thông gia ở gần đó chăm bẵm.

Bố đưa ra tấm thiệp đỏ, con út nhà bác Ba đám cưới nhưng không tổ chức rình rang. Anh chị tổ chức cho bố mẹ hai bên đi du lịch, ra Giêng làm mâm cơm nhỏ báo hỉ. Mẹ chồng thở dài:

- Đám trẻ giờ lắm trò!

Bố chồng chỉ cho 2 đứa trẻ đánh vần chữ trên tấm thiệp:

- Thế cũng được, đỡ bày vẽ thì đỡ tốn kém. Mai kia Nhím, Gấu của ông cũng thế nhỉ. Ông bà chờ đi du lịch với 2 con đấy!

Lúc hai vợ chồng chở nhau về, chị hỏi chồng định mừng cưới bao nhiêu. Anh chị không tổ chức thì mình cũng phải mừng. Chị thấy anh như nén tiếng thở dài:

- Để khi anh chị báo hỉ thì mình mừng sau. Thật, nhà đã trống thì chớ!

Văn phòng ngày cuối vắng vẻ, những người quê xa đã nghỉ phép về sớm. Chị dọn dẹp văn phòng, trùm bụi cho đám máy móc. Anh gọi điện, giọng vui vẻ báo tin được 2 nơi thanh toán, không nhiều nhưng cũng đủ trang trải, anh trả nợ bớt rồi, chiều nay đưa chị đi mua lại bộ nữ trang, chị nói từ từ, anh nói tan ca anh đón rồi cúp máy.

Còn chưa nổ máy xe thì điện thoại của mẹ chồng gọi đến, nói hai vợ chồng về ăn cơm, bố mẹ có chuyện muốn bàn.

- Bố mẹ tính rồi, Tết là để vui, để đón chờ năm mới chứ không phải để làm mình mệt. Bác Hai không về, bác Ba đi du lịch, bố mẹ cũng tính đi. Nhiều năm rồi ông bà ngoại không được cái Tết nào trọn vẹn, cũng do nhà mình neo người, năm nay vợ chồng về sớm đi. Vé bố mẹ đổi rồi, trưa mai bay, phải bù thêm ít tiền nhưng không sao. Khi đoàn du lịch đến miền Trung, chắc chắn bố mẹ sẽ đến chúc Tết ông bà ngoại Nhím, Gấu...

Chị ngỡ ngàng, không biết mấy hôm nay bố mẹ chồng bàn tính gì mà quyết định nhanh thế. Mẹ chồng luôn thích nhà náo nhiệt, vui vẻ, để thay đổi thói quen hẳn không dễ. Chị cảm thấy hai vai mình nhẹ bỗng, niềm vui thấm vào từng lỗ chân lông, tràn vào tim và dâng lên mắt, chỉ nghe mẹ chồng nói gì mà "về quê", "giao thừa", "khéo lạnh"...

Chồng vỗ vỗ vai chị, mẹ chồng như khó xử:

- Thật là...

Bố chồng đứng dậy:

- Hai vợ chồng về chuẩn bị, nhớ mang nhiều quần áo, thuốc men cho bọn trẻ con. Nhà cửa cứ để đó bố mẹ sang dọn cho, vắng con vắng cháu ông bà già này cũng không có việc gì làm. Trưa mai bố mẹ đưa 2 đứa trẻ sang rồi cùng ra sân bay.

Về nhà, chị ngồi ngẩn trong khi chồng gấp quần áo. Khi nãy chị còn nghe mẹ chồng nói từ giờ nhà mình sẽ đổi cách đón Tết, cả năm vất vả loay hoay, cũng nên tìm cách đi khỏi nơi quen thuộc để thăm thú nơi mới, khi quay về mới thấy yêu thương nơi mình đang sống hơn. Và bố chồng luôn ủng hộ mẹ.

Chồng gõ gõ cửa ban công:

- Em gọi cho ông bà ngoại chưa?

Giờ đã khuya, sáng mai chị sẽ gọi, bố mẹ hẳn mừng lắm, mẹ sẽ ra chợ, tìm mua những món vợ chồng chị thích. Mẹ sẽ đi khoe khắp xóm, cười đầy sung sướng hãnh diện khi người ta nói nhất bà rồi, có dâu đảm, còn có rể ngoan.

Chị dâu sẽ gọi điện về nhà báo tin năm nay lại mang món quà thật to về, bố mẹ chị dâu hẳn mừng lắm, sẽ tíu tít xem cần mua sắm thêm gì, niềm vui cứ thế nối dài nối dài.

Đường về nhà hơn nghìn cây số, bỗng dưng thật gần bởi những bước chân vui. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm