pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia y tế chỉ ra những sai lầm khi nhận định về virus Corona
Bệnh viêm phổi cấp do virus Corona tại Vũ Hán (Trung Quốc) đang diễn biến ngày càng phức tạp khi đã có tới hơn 4.500 người mắc, trong đó hơn 100 người tử vong. Mỗi ngày, số người được xác định mắc bệnh này được tính theo cấp số nhân khiến người dân lo lắng.
Trong khi đó, những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin gây "nhiễu" khiến người dân không biết đâu mà lần. TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA) cho biết, có rất nhiều thông tin đồn thổi liên quan đến loại virus này.
Ví như, virus Corona không sống được ở nhiệt độ trên 25°C. Theo TS Vũ, đây là nhận định sai lầm, bởi cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37 độ C và lúc sốt chúng ta có thể lên đến 40 độ C hoặc hơn. Ở nhiệt độ đó, virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng.
Bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm. Thông thường, chúng chết chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp có thể kéo dài thời gian chúng sống.
Trong một nghiên cứu năm 2011 về khả năng sống của virus SARS ngoài môi trường thì người ta cho thấy virus khô trên bề mặt nhẵn giữ được khả năng tồn tại trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22-25°C, độ ẩm 40-50% (đây là môi trường phòng máy lạnh).
Tuy nhiên, khả năng sống của virus bị giảm nhanh chóng ở nhiệt độ cao và độ ẩm cao hơn. Ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để tiêu diệt virus ở ngoài tự nhiên. Do vậy, đây cũng là một điều đáng mừng cho những nước có khí hậu nóng ẩm và có nhiều nắng như ở Việt Nam trong việc hạn chế thời gian tồn tại của virus này ở môi trường ngoài cơ thể.
Nhận định về thông tin sẽ sớm có vaccine và thuốc phòng/điều trị virus Corona, TS. Nguyễn Hồng Vũ cho rằng, sớm nhất cũng phải 1-2 năm, nhiều thì chục năm mới có được vaccine phòng ngừa cho virus này. Bởi virus Corona có vật liệu di truyền là RNA, một vật liệu không ổn định, dễ thay đổi nên khó có thể tạo được vaccine để phòng ngừa/điều trị chúng một cách dễ dàng.
Trước đó, dịch virus SARS bùng phát vào năm 2003 nhưng cho đến nay vẫn chưa có vaccine nào nghiên cứu thành công có thể sử dụng trên người. Hay như virus cúm (flu hay influenza) hoành hành theo mùa ở các xứ ôn đới cũng có vật chất di truyền là RNA, vaccine ngừa cúm phải tiêm lặp lại mỗi năm vì virus luôn biến đổi và hiệu quả phòng ngừa thường chỉ dưới 50%, có năm rất thấp (2014-2015) là 19%.
Về nhận định tỷ lệ người chết bởi bệnh viêm phổi cấp do virus Corona còn thấp hơn SARS hoặc cúm, TS. Nguyễn Hồng Vũ cho rằng, đây là nhận định sai lầm. Thực tế, cho đến nay người ta thấy tốc độ lây nhiễm của virus này rất nhanh. So với dịch virus SARS, phải mất gần 4 tháng để SARS lây lan nhiễm 1.000 người. Trong khi đó virus Corona ở Vũ Hán đã lây nhiễm hơn 4.500 người chỉ sau trong vòng 1 tháng... Do vậy, việc đánh giá thấp tình hình lây nhiễm hiện nay của virus này là điều không nên.