Từ 2018 - 2024: Các cơ quan, tổ chức tuyển dụng 706 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ

PVH
10/07/2025 - 11:12
Từ 2018 - 2024: Các cơ quan, tổ chức tuyển dụng 706 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ

Đạo tạo sinh viên, nhà khoa học trẻ. Ảnh minh họa

Tại phiên họp thứ 47, diễn ra sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề liên quan tới sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 47, trong đó tập trung cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao". 

Xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025. Cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6/2025. Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng thời cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV. Xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025 - 2027. Xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026...

Từ 2018 - 2024: Các cơ quan, tổ chức tuyển dụng 706 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp

Có 89,3% lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao".

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, cho biết: Hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỉ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động.

Với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021-2024). Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động.

Về giáo dục, đào tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu được quan tâm ở cả bậc phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với hệ thống trường chuyên, các chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư và cử nhân tài năng, chương trình hợp tác đào tạo và đào tạo có yếu tố nước ngoài...

Trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, "tổng công trình sư" trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn,...

Kết quả giám sát cho thấy, tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, tài chính, luật khá cao. Tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm. 

Đặc biệt, ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo, làm trái ngành trái nghề.

Về chính sách thu hút nhân tài, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, các chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10/2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức.

Phân tích rõ hơn nguyên nhân tồn tại, hạn chế, dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề nêu rõ: Cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài chậm đổi mới. Môi trường làm việc, cơ chế quản lý, đánh giá, chế độ đãi ngộ ở khu vực công chưa thu hút, trọng dụng, giữ chân được nhân tài, chưa giúp người lao động phát huy hết sở trường, năng lực.

Về khách quan, phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực có phạm vi rộng, bao gồm nhiều nội dung, đối tượng, chính sách cụ thể khác nhau, các nội dung quản lý nhà nước về nhân lực được giao cho nhiều Bộ, dẫn đến những khó khăn trong xây dựng và triển khai thực hiện văn bản về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực.

Đại diện Đoàn giám sát cũng cho biết, Chính phủ, một số bộ, ngành và hầu hết các địa phương chưa ban hành văn bản tổng thể, định hướng chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, chưa có quy định đầy đủ, toàn diện về nhân lực chất lượng cao, do đó, có khó khăn trong công tác xác định nhân tài, người có trình độ cao và việc hoạch định chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao.

Từ 2018 - 2024: Các cơ quan, tổ chức tuyển dụng 706 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh

Đề nghị nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Qua đó, Đoàn giám sát đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và bố trí đầy đủ nguồn lực bảo đảm để thực hiện, nâng cao năng lực sáng tạo của nhân lực gắn với sử dụng hợp lý trí tuệ nhân tạo và các công cụ khoa học công nghệ mới; Đồng thời trình Quốc hội sửa đổi một số luật liên quan nội dung này. Ban hành quy định về nhân lực chất lượng cao theo hướng quy định rõ về khái niệm, tiêu chí, thẩm quyền xác định nhân lực chất lượng cao trong tổng thể nguồn nhân lực...

Về sử dụng nguồn nhân lực, đề nghị Chính phủ giao một cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển, sử dụng nguồn nhân lực ở cả khu vực công và ngoài công lập. Thực hiện việc phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, cơ sở trong phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao.

Từ 2018 - 2024: Các cơ quan, tổ chức tuyển dụng 706 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ- Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đồng thời hoàn thiện đề án vị trí việc làm của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập các cấp sau sắp xếp tổ chức, bộ máy. Cùng với đó, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước. Đổi mới cơ chế sử dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao để tăng cường thu hút, giữ chân và phát huy hiệu quả số nhân tài đã được tuyển dụng theo hướng tổ chức các chương trình, công trình, dự án riêng với cơ chế đãi ngộ và môi trường làm việc mang tính mở, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đề cao trách nhiệm.

Chú trọng việc thu hút nhân tài là sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, "tổng công trình sư" người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành là người nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng (trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, luật, công nghiệp quốc phòng, khí tượng thủy văn...).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm