pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ các vụ tấn công nữ nhân viên môi trường: Cần xử lý nghiêm lối hành xử vi phạm pháp luật
2 nữ lao công ở Quảng Ngãi bị bắn khi đang làm việc
Trung tuần tháng 10, vừa qua, Công an phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt người phụ nữ tát nhân viên công ty môi trường số tiền 6,5 triệu đồng.
Theo Công an phường Tân An, người phụ nữ này bị phạt về hành vi "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".
Trước đó, chị P.V.N.H. (35 tuổi, nhân viên phòng kinh doanh, Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk) đã gửi đơn tố cáo tới công an về việc bị một phụ nữ lăng mạ, chửi bới, tát vào mặt khi đang cùng nhóm công nhân tỉa cây xanh trên phố.
Theo chị H. ngày 10/10, chị cùng các công nhân đang thực hiện công việc cắt tỉa, nâng tán cây xanh trước số nhà 52 Lý Thái Tổ. Lúc này, một người phụ nữ (ngoài 50 tuổi, tự xưng là chủ nhà) ngăn cản việc tỉa cây vì cho rằng cây này thuộc sở hữu của gia đình bà.
Trước sự việc, chị H. giải thích cây xanh là tài sản của nhà nước, chị và các công nhân đang thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, người phụ nữ đã liên tục chửi bới, lăng mạ, rồi xô đẩy, tát vào mặt nữ nhân viên môi trường.
Sau đó, người phụ nữ này còn trèo lên xe chuyên dụng tỉa cây để ngăn cản công việc của các công nhân.
Trong thực tế, một số người có nhà mặt đường thường có tư tưởng coi vỉa hè, thậm chí phần đường trước cửa nhà, là tài sản thuộc sở hữu của chính họ.
Từ tư tưởng đó, họ thực hiện nhiều hình thức chiếm dụng. Đặc biệt là những hộ kinh doanh, từ cơi nới, treo biển quảng cáo, xếp hàng hóa, để xe kín vỉa hè của người đi bộ... Điều này càng thể hiện rõ khi những người đi ô tô đỗ xe dưới lòng đường trước cửa nhà người khác. Đương nhiên, việc đỗ xe ở lòng đường là trái pháp luật, tuy nhiên một số chủ nhà nhiệt tình phản đối hành vi đó không phải vì tinh thần thượng tôn pháp luật mà thực chất là họ đòi quyền sở hữu với không gian trước cửa nhà họ. Họ tạt sơn, hắt chất bẩn, dán lên xe, thậm chí là lăng mạ, tấn công chủ xe..., gây ra nhiều vụ mất trật tự an ninh xã hội.
Trở lại với câu chuyện ở phường Tân An, người phụ nữ đó có lẽ cũng chung một cách nghĩ như vậy - đòi quyền sở hữu với không gian trước cửa nhà mình. Giả sử cây xanh đó do gia đình bà ta trồng và chăm sóc thì phần đất ấy vẫn do nhà nước quản lý, sử dụng.
Cũng cần phải hiểu rằng, việc cắt tỉa cây xanh nhằm phục vụ lợi ích công như đảm bảo tầm quan sát của người tham gia giao thông, tránh tình trạng cây đổ mùa mưa bão...
Mặc dù trong số các hành vi khách quan của tội chống người thi hành công vụ chỉ giới hạn một số lĩnh vực nhất định. Trong đó người thi hành công vụ được định nghĩa là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định (cán bộ thuế vụ, cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng...). Theo đó, những người của công ty môi trường đô thị không thuộc phạm vi này.
Tuy nhiên xét trên góc độ quản lý trật tự hành chính, những nhân viên công ty môi trường đang thực hiện công vụ vì lợi ích chung. Việc ngăn cản, lăng mạ, thậm chí tấn công là thể hiện ở mức độ cao nhất tư tưởng vì lợi ích riêng sẵn sàng xâm phạm, đối đầu với những người thực thi công việc vì lợi ích chung của cộng đồng.
Ngoài ra cũng tồn tại một tâm lý phổ biến, đó là coi thường công nhân các công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường đô thị, đặc biệt là những người lao công quét rác.
Đáng buồn khi trong thực tế, lao công, trong đó đa số là nữ công nhân lại bị một số người xem thường và tự cho mình cái quyền quát nạt, lăng mạ, thậm chí là hành hung họ. Đầu tháng 10/2023, trên đường Phạm Văn Đồng, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi, 2 đối tượng đã dùng súng bắn bị thương 2 nữ lao công đang quét rác chỉ vì một va chạm nhỏ.
Những quan niệm lệch lạc và có những hành xử thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật của một bộ phận trong xã hội đối với các nữ công nhân môi trường là rất đáng lên án, cần phải bị pháp luật xử lý nghiêm.